.
Cafe sáng

Những đồng tiền được vuốt phẳng phiu

.

1. Thường những lúc rảnh, tôi có thói quen ngồi nhâm nhi cà-phê ở các quán cóc, nơi góc phố có khá nhiều người qua lại. Tôi thích quan sát những khuôn mặt mang nhiều sắc thái khác nhau. Và khi ngồi ở đây, tôi có cảm giác mình đang ngồi bên lề của cuộc sống, tự tại và an nhiên, có thể nghe và thấy được “tiếng đời lăn”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đang nhấm nháp ly cà-phê và miên man thả hồn theo những suy nghĩ mông lung, tôi bất chợt giật mình bởi một giọng nói trong và ấm: “Chú ơi, cháu đánh giày cho chú nhé?”. Như một phản xạ theo quán tính, tôi nhìn sang bên cạnh, một thằng bé con gầy gò đang nhìn chăm chăm xuống đôi chân của người đàn ông ăn mặc sang trọng. Người đàn ông lạnh lùng lên tiếng: “Đi chỗ khác, nhóc con”. Thằng bé vẫn kiên trì, cố nài nỉ: “Nhưng cháu thấy đôi giày của chú có vết bẩn rồi ạ?”. “Cái thằng này, lì quá, thì đánh đi”, người đàn ông vùng vằng.

Thằng bé như cởi tấm lòng, vội vàng cúi xuống, nhẹ nhàng nâng bàn chân của người đàn ông kia đặt lên đùi nó, tháo đôi giày ra và hí hửng chạy đến gốc cây gần đó ngồi mải miết chuốt bàn chải lên đôi giày một cách cẩn thận. Xong, nó chạy lại và lại tiếp tục hành động như lúc nãy, nó đeo đôi giày đã được đánh bóng lộn vào chân của khách. Người đàn ông có vẻ hài lòng và ném những đồng tiền lẻ về phía nó. Không chút do dự, nó cúi nhặt từng tờ, không quên cảm ơn và chạy lại chỗ gốc cây. Thằng bé ngồi xuống, móc toàn bộ trong túi ra những tờ tiền cũ, nhàu nhĩ, chậm chạp, tỉ mỉ vuốt ve từng đồng tiền. Trong lúc ngồi miết lại những đồng tiền lẻ, ánh mắt nó long lanh niềm vui và thích thú. Những đồng tiền cũ nát phút chốc được xếp ngay ngắn, cẩn thận cho vào túi nilon, nhét vào cái túi xách da màu nâu đã sờn và bẩn. Rồi thằng bé lại tiếp tục công việc của mình. Tôi ngồi lặng nhìn theo hình bóng thằng bé đánh giày gầy gò, đen nhẻm đang dần khuất vào cuối phố. Ly cà-phê trên tay bỗng trở nên đắng chát kỳ lạ.

2. Ông già mù ngồi co ro dưới gốc cây gạo, bên cạnh là thằng bé con tầm bảy, tám tuổi gì đó, mong manh trong bộ quần áo cũ kỹ, bạc màu. Những giọt nắng hanh trong buổi trưa mùa đông ảm đạm không đủ để sưởi ấm cho hai ông cháu. Tiếng rên gừ gừ nho nhỏ của ông lão khiến thằng bé lại ôm chặt ông hơn. “Ông ơi, cố lên ông nhé, hôm nay chúng ta đã bán được tám hộp rồi đó, bằng chừng này hôm qua thì hơn hai hộp”. Thằng bé vừa nói vừa lấy tay moi ra trong cái túi đã rách tả tơi, đếm đi đếm lại một xấp hộp tăm, lẩm nhẩm trong miệng: “Còn hai mươi hai hộp nữa”. Bất chợt, nó nhìn vào khoảng không trước mặt, xa xăm... Cái lạnh làm cho toàn thân nó tím tái, nhưng dường như nó không để ý đến điều đó, vẫn hồn nhiên, cười nói với ông lão như con chim non ríu rít bên cây hoa gạo già. “Ông ơi, cháu đếm tiền nhé?”, “Có bán được bao nhiêu đâu mà đếm hả cháu”, “Nhưng mà cháu thích”, “Ừ...”.

Thằng bé hí hửng lấy từng đồng tiền trong túi ra và bắt đầu đếm. Nó cẩn thận xếp những tờ tiền giống nhau lại một chỗ. Trong số tiền hai ông cháu bán tăm, tờ 2.000 đồng có mệnh giá cao nhất. Thằng bé nhẹ nhàng vuốt bên mép tiền, sau đó còn cẩn thận lấy hòn đá ép lên những tờ mà nó vừa miết một cách phẳng phiu và thẳng thớm. “Được ba mươi sáu nghìn năm trăm đồng ông ạ”, thằng bé vừa đếm tiền vừa khoe với ông với ánh mắt phấn chấn lạ thường. “Tối nay mình ăn bánh bao ông nhé!”. Ông lão không nói gì, mỉm cười xoa lấy đầu nó và ôm vào lòng. Hai hàng nước mắt hiếm hoi của người đàn ông bất hạnh, từng trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời lăn dài trên má, tan cả một mùa đông lạnh. Hai ông cháu lại tiếp tục lên đường, thằng bé con nắm chặt tay ông, đi qua những con phố, những vỉa hè, cất tiếng rao theo từng bước chân tất tả mưu sinh giữa đời.

CHÂU AN

;
.
.
.
.
.