.

Chuyên gia thằn lằn số 1 Việt Nam

.

Trong khoảng 20 năm, nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí đã công bố 24 bài báo khoa học trên các tạp chí nghiên cứu nước ngoài về 28 loài thằn lằn mới, trong đó có 26 loài đặc chủng tại Việt Nam. Đó cũng là lý do nhiều năm nay nhiều người gọi anh bằng cái tên: Trí thằn lằn!

Nhông cát trinh sản - loài nhông cát đặc hữu mới do nhà nghiên cứu Ngô Văn Trí khám phá tại Việt Nam.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhông cát trinh sản - loài nhông cát đặc hữu mới do nhà nghiên cứu Ngô Văn Trí khám phá tại Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi Ngô Văn Trí mở laptop cho tôi xem một số hình ảnh về các loài thằn lằn do anh phát hiện, mới thấy trên màn hình la liệt tài liệu liên quan tới các loài động vật khác, không chỉ có thằn lằn. Hình như với nhà động vật học Ngô Văn Trí, câu chuyện về các loài động vật có thể là đề tài khiến anh say sưa từ ngày này sang ngày nọ.

Nhưng thực ra đam mê đó không phải đã được nhen nhóm theo kiểu “truyền thống gia đình” hay đặc biệt gì lắm. Chỉ là thuở nhỏ, có lần xem bộ phim Điệp viên 007, Trí rất ấn tượng với một viện hải dương học được xây dựng ngay dưới đáy biển. Niềm yêu thích loài vật được nhen lên từ ấn tượng đó là động lực để anh nộp đơn thi vào khoa Sinh (ĐH Huế) về sau.

Học cách tồn tại trong rừng

Như lẽ tất yếu, là người yêu động vật, nhất là động vật hoang dã, hẳn nhiên Ngô Văn Trí cũng rất yêu rừng. Tới giờ anh không thể nhớ nổi đã đi tới bao nhiêu khu rừng trên đất nước mình nữa, có những khu rừng anh trở đi trở lại tới vài bận như rừng Cúc Phương (Ninh Bình).

Có những chuyến đi theo đoàn, nhưng không ít lần anh phải đơn thương độc mã giữa rừng. Hành trang cho những chuyến ấy thường ít nhất cũng phải là một ba lô nặng chừng 30-40kg.

Rừng thiêng nước độc, chốn ấy không phải chỉ toàn là mộng mơ hoa cỏ. Để học cách tồn tại trong rừng, ngoài những kiến thức sách vở trang bị, Ngô Văn Trí đã học hỏi thực tiễn rất nhiều. Những bài học quý giá nhất với anh có ở chính những người dân bản địa. Đó có thể là chuyện phải biết cách tìm đường ra khi lạc rừng. Phải đi theo dòng suối để trước hết có nước uống khi khát, còn sau đó sẽ tìm được người ứng cứu, v.v…

Nói thì nói vậy, chứ sự cố trong rừng thì dù có chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu cũng không thể lường hết được. Trong ký ức về những chuyến “ăn rừng” làm khoa học đó, Ngô Văn Trí không thể quên những trận sốt rét, những lần lạc rừng, những lần không còn tiền trở về sau khi lấy được mẫu vật...

Vậy mà anh vẫn làm khoa học theo kiểu “tự túc” kinh phí trong hơn chục năm qua. Và có lẽ đúng như anh nói, anh đã, đang và sẽ luôn làm khoa học theo tôn chỉ của riêng mình: chỉ làm những gì thấy vui, thấy thích, thấy thực sự cần thiết và có ích.

Làm khoa học “tự túc”

Thoạt nghe có vẻ hơi vô lý bởi hiện tại, Ngô Văn Trí là nghiên cứu viên của Viện Sinh học nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sự thật, do ngân sách dành cho công tác nghiên cứu còn hạn hẹp, để thực hiện những đam mê với các loài động vật, anh đã phải “lấy khoa học nuôi khoa học” bằng việc tham gia các dự án nghiên cứu, giám định động vật để có tiền cho những chuyến đi thực địa.

Chuyên gia thằn lằn Ngô Văn Trí. 			          Ảnh: D.K.T
Chuyên gia thằn lằn Ngô Văn Trí. Ảnh: D.K.T

Trò chuyện kỹ hơn với anh về nghề mới thấy, hóa ra trong lĩnh vực nghiên cứu về động vật, ngoài yêu cầu tất yếu về sự am hiểu kiến thức sinh hoạt của các loài, nhà động vật học buộc phải có kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực liên quan khác. Chỉ nói riêng địa chất học, sự hình thành các loài động vật luôn liên quan tới đặc điểm địa hình, địa chất của môi trường loài đó sinh sống. Phải ở điều kiện nào mới có thể có loài động vật ấy, với những đặc điểm sinh học ấy.

Sự am tường về kiến thức địa chất, sinh học làm nên độ nhạy cảm khoa học của nhà nghiên cứu. Ngô Văn Trí thừa nhận, phần lớn các chuyến đi thực địa của anh chỉ là việc kiểm định chính xác những giả thuyết đã được nghiên cứu và đề xuất rất rõ ràng. Nói nôm na, nghĩa là anh tới thực địa cốt chỉ để “bắt” được mẫu loài vật đó mang về.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào việc “lấy mẫu” ấy diễn ra đơn giản. Không ít lần anh phải trở đi trở lại một địa bàn để bắt được loài thằn lằn mới phát hiện ra. Nguy hiểm nhất là những đợt phải chui vào hang để bắt mẫu. Không chỉ trơn trượt, rắn rết, những hang sâu tưởng như không đáy sẵn sàng “nuốt chửng” bất cứ ai nếu không có kỹ năng thoát ra.

Với các mẫu vật bắt được, trừ những con quá đẹp, muốn giữ lại để phục vụ thêm cho công việc chụp ảnh, quay phim làm tư liệu nghiên cứu, phần lớn các mẫu đều được xử lý cố định và đem về ở dạng đã chết.

Tính tới thời điểm này, cả ở nhà và ở bảo tàng của Viện Sinh học nhiệt đới, Ngô Văn Trí đã tích lũy được khoảng hơn 300 mẫu tiêu bản các loài thằn lằn. Sự khác biệt giữa các loài đó được phân định rất chi tiết, tỉ mỉ. Chỉ riêng những khác biệt trong đặc điểm hình dạng ngón chân của chúng đã là rất đa dạng.
Không chỉ thằn lằn

Say sưa với thế giới động vật, nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí không thể không góp tiếng nói ở những vấn đề liên quan tới chúng. Điển hình nhất là vụ việc cá tra của Việt Nam bị Hiệp hội cá da trơn của Mỹ đưa vào trang sách đỏ của cuốn cẩm nang người tiêu dùng.

Nhắc lại chuyện này, anh Trí cười khi thấy nhiều nhà báo từng rất hùng hồn khẳng định “cá tra bị đưa vào sách đỏ”. Nói sách đỏ, ai cũng hiểu là cuốn sách liệt kê các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong khi đó, những trang đỏ trong cuốn cẩm nang người tiêu dùng ở Mỹ lại có ý khuyến cáo người dân không sử dụng thịt của các loài động vật trong đó vì sẽ gây mất cân bằng sinh thái.

Cái lý mà người Mỹ đưa ra hồi đó, theo anh Trí, là sự cố tình ngụy tạo bằng chứng khoa học để chứng minh môi trường sống của cá tra không tốt và đây là loài lạm sát, dùng các loài cá nhỏ hơn làm thức ăn. Từ những hiểu biết của mình, anh đã công bố bài báo Cá tra và sức khỏe sông Mekong để bác bỏ những luận điệu đó.

Rồi một chuyện nữa là vụ việc liên quan tới cái chết của con tê giác duy nhất ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ở bài viết đó, Ngô Văn Trí đã khẳng định, tê giác đã tuyệt chủng ở vườn quốc gia này, từ đó anh chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới điều đó.

Nhiều năm qua, nhà nghiên cứu động vật học Ngô Văn Trí trở thành chuyên gia giám định động vật được mời tham dự nhiều chuyên án liên quan tới các đường dây buôn bán động vật và các sản phẩm liên quan tới động vật quý hiếm ở các tỉnh Nam Bộ, nhất là khu vực gần biên giới Tây Nam.

Ứng xử với thiên nhiên

Những cuộc lạc rừng đã đem lại nhiều trải nghiệm sâu sắc với Ngô Văn Trí. Chỉ cần biết cách ứng xử công bằng với thiên nhiên, hiểu thiên nhiên và thuận theo thiên nhiên, con người sẽ không bị tổn hại.

Ngay trong chuyện trồng rừng hay xây nhà máy thủy điện, trong quan sát của anh, dường như chúng ta vẫn chưa thực hiểu thiên nhiên. Trồng rừng là tốt rồi, nhưng trồng ở đâu, trồng như thế nào và trồng cây gì, lại là chuyện phải bàn.

Kể cũng lạ, một nhà nghiên cứu tuổi đời chưa thể gọi là già như Ngô Văn Trí, nhưng lại luôn mơ ước, thi thoảng sau những bộn bề công việc, lo toan cơm áo lại được trở về hít thở bầu không khí của rừng. Anh có thể sống một mình giữa rừng cả tháng không ngán chỉ vì anh thực sự yêu nó.

Những công trình nghiên cứu đáng kể về thằn lằn là bằng chứng thuyết phục để anh khẳng định về sự đa dạng sinh học của tài nguyên rừng ở Việt Nam trong cộng đồng nghiên cứu động vật thế giới. Và hẳn nhiên đó cũng là biểu thị sâu sắc nhất của tình yêu và tấm lòng với rừng của một nhà khoa học xứ Quảng.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.