.

Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh - Học chân phương mà đờn hoa lá

.

GS Trần Văn Khê cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi sự chung sức của chính quyền, nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng, các công ty băng đĩa…, bởi một cánh én không làm nên mùa xuân.

GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt âm nhạc dân tộc với các thế hệ trẻ. Ảnh: trelangkienviet.com
GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt âm nhạc dân tộc với các thế hệ trẻ. Ảnh: trelangkienviet.com

GS Trần Văn Khê là một trong những người đầu tiên có công truyền bá và tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ ra thế giới. Loại hình nghệ thuật này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được công nhận.

* Thưa GS, nếu so với 7 di sản phi vật thể khác của Việt Nam đã được tôn vinh, đờn ca tài tử Nam Bộ không hề kém cạnh. Vậy vì sao đến nay di sản này mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

- Nhiều người từng hỏi tôi về việc vì sao tôi là người Nam Bộ, sinh ra trong một gia đình đờn ca tài tử, nhưng lại không lo toan để sớm tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống của khu vực, địa phương mình.

Vì là người trong cuộc nên tôi hiểu rất rõ cái khó trong cuộc vinh danh này. Ban đầu, UNESCO chỉ tôn vinh những di sản phi vật thể có tuổi đời vài ba trăm năm với danh hiệu “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Về sau, xét thấy nếu chiếu theo tiêu chí này thì rất ít di sản phi vật thể của các nước thỏa mãn, UNESCO đã điều chỉnh thành danh hiệu “Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”. Giữa hai danh hiệu này có sự khác biệt rất rõ và sự phân biệt cao thấp cũng rất tế nhị. Tuy nhiên, nhờ sự điều chỉnh này, đờn ca tài tử mới có cơ hội được làm hồ sơ đệ trình, bởi xét riêng tuổi đời, loại hình nghệ thuật này mới hơn trăm tuổi.

Khi làm hồ sơ, ngoài việc nâng cao chất lượng các băng tư liệu minh họa cho đờn ca tài tử, chúng ta còn nhắc lại với UNESCO hai sự kiện đáng nhớ liên quan đờn ca tài tử. Sự kiện thứ nhất là năm 1963-1964, dù chưa có ý tưởng tôn vinh, nhưng lần đầu tiên UNESCO làm một đĩa nhạc tuyển tập những tiết mục xuất sắc của âm nhạc truyền thống phương Đông. Lần đó, tôi đã đưa vào đĩa nhạc một bản Tứ đại oán và một bài vọng cổ.

Sự kiện thứ hai là năm 1972, tôi và nhạc sư Vĩnh Bảo được Đài phát thanh của Pháp mời sang biểu diễn đờn ca tài tử. Buổi đó tạo tiếng vang lớn tới mức sau sự kiện này, UNESCO bỏ tiền đề nghị tôi và nhạc sư Vĩnh Bảo tổ chức thu âm một buổi đờn ca tài tử ngay tại nhà tôi. UNESCO đặt tựa đề cho đĩa hát này là “Cội nguồn âm nhạc”. Đây là việc làm rất hy hữu, chưa từng có với các di sản khác đã được vinh danh của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, hát xoan.

* Khi “đem chuông đi đánh xứ người”, đờn ca tài tử có những nét đặc sắc gì để được UNESCO vinh danh?

- Nói là “chơi tài tử” nhưng không phải ai muốn đờn cũng có thể ngồi vào đờn được. Muốn đờn, người tài tử phải có thời gian được học tập, tôi luyện. Trong truyền dạy đờn ca tài tử, nguyên tắc “học chân phương nhưng đờn hoa lá” được áp dụng.

Theo đó, việc truyền dạy đều nhắm tới những lòng bản căn cốt, đờn đâu chắc đấy, nhưng người học sẽ sáng tạo theo cách của họ khi biểu diễn. Không có nghệ nhân đờn ca tài tử lão luyện và tài hoa mà với một bản đàn, lần sau đờn cũng giống lần trước.

Mỗi lần biểu diễn là một sự sáng tạo ra một bản đàn khác - khác tùy theo lời ca, theo hơi đờn, theo cảm hứng của từng buổi. Cũng thang âm đó, nhưng nghe “hơi đờn”, người ta biết tại sao bản này hơi Bắc, bản kia hơi Quảng. Hay cũng một chữ mà nhấn nhá theo hơi Bắc khác, hơi Quảng khác, hơi xuân khác, đó chính là nhờ sự tô điểm “hoa lá” mà tạo ra được những điệu thức, những tình cảm khác. Đây là đặc điểm chỉ có ở đờn ca tài tử.

* Với riêng GS, đặc điểm ông tâm đắc nhất ở đờn ca tài tử là gì?

- Tôi tâm đắc nhất sự sáng tạo trong đờn ca tài tử: Học chân phương mà đờn hoa lá. Nó đi theo triết lý sống của người Việt Nam, đó là Dịch lý, tức là mọi sự đều thay đổi. Nhưng bên cạnh những sự thay đổi liên tục, lại có những sự bất biến.

Trong đờn ca tài tử cũng vậy, khi học là học những lòng bản, là những bản đàn chính; nhưng khi gặp bạn chơi cùng, tùy theo hoàn cảnh, cảm hứng, cách chơi của mỗi người cũng tùy biến, thêm hoa thêm lá khác đi. Tiếng đờn tranh có chữ đôi, đờn kìm có chữ nhấn, đờn cò có những chữ vuốt ve, dịu ngọt.

Từ đó, khi hội lại với nhau, tuy cùng đàn một bản nhưng hình thức lại khác nhau. Khác nhau nhưng không đối chọi nhau. Đàn tranh tiếng kim, đàn kìm tiếng thổ, âm dương gặp gỡ nhau. Cấu trúc của đờn ca tài tử quý nhất ở sự động mà mở chứ không phải tĩnh mà động. Mà “động” tức là sống.

* GS nhận xét như thế nào về cách giảng dạy đờn ca tài tử hiện nay?

- Mỗi bộ môn nghệ thuật có cách thức truyền dạy khác nhau. Với đờn ca tài tử, tuy là chơi, nhưng cũng nên có phong cách chơi đẹp trong cách chơi, cách gảy, cách nhấn nhá. Điều này rất cần sự cởi mở, không giấu nghề của các nghệ nhân. Người học cũng phải học đến nơi đến chốn. Đó là hình thức đẹp đẽ, đi cùng với đó phải là tinh thần đẹp đẽ. Chúng ta bảo tồn vốn cổ nhưng không nệ cổ, không phải cứ y như xưa mới là quý. Có thể bây giờ khác với ngày xưa một chút, nhưng cái cốt phải giữ được “chất”, bản sắc dân tộc trong đờn ca tài tử, tránh sự lai căng âm nhạc các nước khác vào âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Sau khi đờn ca tài tử được tôn vinh, rất cần những hội thảo để cùng bàn về việc bảo tồn và phát huy nó. Những sa sút về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trong đời sống nghệ thuật hôm nay không phải không đáng ngại.

Không thể đem phương pháp ký âm của phương Tây vào việc truyền dạy đờn ca tài tử. Trong truyền dạy nghệ thuật nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng, người ta thường mải mê sùng bái kỹ thuật mà quên mất việc gợi mở, truyền cảm hứng về tình yêu và sự cảm thụ nghệ thuật của trái tim. Kỹ thuật có thể khiến người khác nể phục, nhưng nghệ thuật mới là điều có sức ám ảnh, cảm hóa.

* Cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử, thưa GS?

- Tôi không chỉ lo việc bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử Nam Bộ, mà còn lo cho cả nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi cũng soạn xong giáo trình thử nghiệm giảng dạy âm nhạc truyền thống với các phương pháp sư phạm cổ rất hay. Giáo trình đó tôi chuẩn bị trong 6 tháng chỉ để dạy trong 3 tuần, hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, giáo trình này chưa thể được áp dụng rộng rãi.

Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là đem âm nhạc vào học đường. Tuy nhiên, đây không phải để học sinh biết ca, biết đờn, mà điều căn cốt chỉ là người Việt Nam nào cũng có thể trả lời được rành rẽ hai câu hỏi: “Âm nhạc cổ truyền của Việt Nam có gì?” và “Nó hay ở chỗ nào?”.

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Công việc này không thể chỉ do một vài cá nhân mà làm được, mà cần có sự chung tay của chính quyền, nhân dân, các phương tiện truyền thông đại chúng, các công ty in băng đĩa v.v... Nếu mọi người đều chung sức chung lòng, chỉ trong vòng 10-20 năm nữa, âm nhạc truyền thống sẽ có vị trí tốt trong xã hội.

* Theo quan sát của GS, diện mạo phát triển của đờn ca tài tử hiện nay có những điều gì đáng lưu tâm?

- Bây giờ, do phong trào chấn hưng nghệ thuật đờn ca tài tử, ở Nam Bộ có hàng ngàn CLB lớn nhỏ. Việc trau chuốt về kỹ thuật ca và đờn có thể nói đã rất tốt, ngay cả trang phục biểu diễn cũng chỉn chu. Nhưng thế mới chỉ là hình thức, còn nội dung, tức là cái tình của người chơi, chất ngẫu hứng, giao lưu dường như không còn nữa. Ngày xưa, người ta đờn ca tự do, thoải mái, không sợ đờn sai hay ca sai vì chỉ cốt “khoái mình”, “khoái bạn”, còn nay người ta chỉ lo đờn và ca sao cho vừa tai ban giám khảo một cuộc thi hay những thượng đế trả tiền cho họ. Tôi lo ngại vì thấy thú chơi xưa khi ra đời trước hết để giãi bày lòng mình thì nay đã trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính cách mưu sinh.

DƯƠNG KIM THOA thực hiện

;
.
.
.
.
.