.
Đà Nẵng - vùng hòa quyện văn hóa Việt - Chăm

Bài cuối: Tạo sơ sở pháp lý giữ gìn, trùng tu di tích

.

Những di tích, hiện vật khảo cổ học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giúp thế hệ trẻ hiểu thêm một phần về lịch sử của vùng đất này.

Di tích Chămpa

Các giếng Chăm ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.
Các giếng Chăm ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Qua khảo sát các di tích Chămpa, TS Lê Đình Phụng cho biết, mỗi địa điểm đều có nhiều kiến trúc khác nhau, tạo nên quần thể kiến trúc lớn, lấy kiến trúc trung tâm làm trọng tâm theo truyền thống kiến trúc tôn giáo Chămpa. Những kiến trúc được xây bằng chất liệu gạch - đá với kỹ thuật mài chập khối vững chắc và nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị mỹ thuật cao.

Những di tích, hiện vật văn hóa Chămpa là thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử. Mặc dù còn ít ỏi, nhưng di tích, hiện vật tìm được phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần và kinh tế của người Chăm. Chẳng hạn như, những lũy đất phản ánh kỹ thuật quân sự, những giếng nước phản ánh kỹ thuật khai thác nước ngầm phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá góp phần khẳng định về tinh thần tôn giáo của người Chăm xưa, đó là tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn giáo, hay kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây cất, kỹ thuật khắc tạc đá... Những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao như Typam phế tích Phong Lệ, bệ đá hoa sen, hai cột cửa lưu tại chùa An Sơn, mảnh bệ thờ chùa Ngũ Hành Sơn... được khắc tạc họa tiết tỉ mỉ, đường nét sắc sảo, chi tiết đại diện cho phong cách mỹ thuật Chămpa như khởi đầu phong cách Chánh Lộ (Typam tháp Phong Lệ), hay phong cách Đồng Dương (cột đá chùa An Sơn, bệ chùa Ngũ Hành Sơn) đã cho thấy giá trị văn hóa vô giá của các tác phẩm này. Điều này có thể thấy văn hóa Chămpa là nền tảng cơ bản của văn hóa vùng đất, tạo nên sức sống theo suốt chiều dài lịch sử giai đoạn đầu của vùng đất Đà Nẵng.

Di tích văn hóa Việt

Theo TS Lê Đình Phụng, về bản chất, văn hóa Việt, con người Việt đã có mối giao lưu với văn hóa Chămpa khá lâu dài trong lịch sử. Đặc biệt, sau khi đất nước giành độc lập, nền văn hóa riêng mang bản sắc Việt thì mối quan hệ giữa hai nền văn hóa diễn ra toàn diện.

Các di tích cũng cho thấy, văn hóa Việt xuất hiện trên vùng đất Đà Nẵng là cả quá trình lâu dài trong lịch sử. Quá trình đó là: gia nhập - định hình - phát triển và trở thành chủ thể văn hóa vùng đất. Buổi đầu văn hóa Việt trên vùng đất thông qua hình thức tiếp nhận, những miếu thờ Mẹ Xứ sở (Thiên Yana), miếu thờ Mẹ Biển (Bà Bô Bô) của người Chăm được người Việt sử dụng qua thờ Mẫu (Miếu Bà - miếu Cô); những giếng nước hình vuông nguồn gốc Chăm được người Việt sử dụng lại (hay sử dụng chung); những đền thờ Cá Ông sau được gọi là Nam hải Đại Vương. Những ngôi mộ Việt hợp chất mang theo táng tục Việt. Những đình, chùa, nhà thờ tộc, những giếng Chăm được sửa chữa, đề ghi dấu ấn Việt đã phản ánh chuỗi tiến trình phát triển và hội tụ để trở thành bản sắc văn hóa Việt.

Trong tổng thể văn hóa dải đất miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, có thể phân kỳ thành những cơ tầng văn hóa như: Văn hóa thời tiền - sơ sử - văn hóa Chămpa - văn hóa Việt. Các cơ tầng văn hóa kế thừa nhau, trở thành tổng thể thống nhất và có mối quan hệ khăng khít. Vì vậy, các nhà chuyên môn kiến nghị: Cần khẳng định những di tích hiện còn có giá trị đặc biệt để góp phần tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất; tiến hành xếp hạng, tạo cơ sở pháp lý cho việc giữ gìn, trùng tu tôn tạo, đặc biệt là những di tích Chămpa còn dạng phế tích. Cũng theo giới chuyên môn, cần giữ lại làng chài nhỏ nằm gần núi Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), bởi nơi đây còn lại nhiều quần thể di tích có giá trị như Giếng cổ, Lăng thờ cá Ông, chùa làng Ba Sơn, miếu thờ Bà Liễu Hạnh, miếu thờ Bà Bô Bô...; đồng thời phát huy các lễ hội cầu ngư, lễ hội đình làng Xuân Dương, nhằm góp phần phục vụ tham quan du lịch, hòa nhịp với mục tiêu phát triển văn hóa du lịch của thành phố Đà Nẵng...

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.