.

Xây trường học bằng một... lá thư

.

Trước năm 1945, hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ. Trong bối cảnh ấy, dù là tỉnh nổi tiếng với truyền thống hiếu học và học giỏi, nhưng Quảng Nam vẫn có số người biết đọc, biết viết không vượt qua con số 10%. Ở huyện Thăng Bình, mãi đến năm 1937 mới có được một trường tiểu học hoàn chỉnh đầu tiên ở Thanh Ly, năm 1940 thêm một trường nữa ở Kế Xuyên.

Giờ học địa lý ở trường học ngày xưa (ảnh tư liệu)

Nhưng, chuyện mở hai trường tiểu học Thanh Ly và Kế Xuyên không phải do thực dân Pháp quan tâm đến giáo dục, mà là kết quả gián tiếp của cuộc đấu tranh thông qua hình thức viết thư đề nghị của học sinh Thăng Bình. Lá thư này hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1934, một số học sinh trường Thăng Bình, cả nam lẫn nữ, cùng một số học sinh các trường công hương ở Trà Đỏa và Thanh Ly đồng loạt đứng tên gửi thư lên Khâm sứ Trung kỳ tại Huế trình bày về việc xin lập trường tiểu học tại Thăng Bình.

Lúc bấy giờ, học sinh Thăng Bình học đến lớp sơ đẳng (lớp 3 - lớp cuối của cấp sơ học) và lấy bằng Sơ học yếu lược rồi, ai muốn học tiếp lên cấp tiểu học thì phải khăn gói lặn lội vào Tam Kỳ hoặc ra Hội An. Đi học xa, chuyện tốn tiền là lẽ đương nhiên. Nào tiền ăn, tiền mặc, tiền sách vở... Dĩ nhiên, vì nghèo khổ, nhiều học sinh cũng đành bỏ dở chuyện học hành.

Xuất phát từ nỗi bức xúc ấy, đầu thập kỷ 1930, tri phủ Thăng Bình là ông Lê Chí Hàm đã đứng lên hô hào, vận động những gia đình giàu có cũng như lý trưởng các làng lấy tiền công quỹ đóng góp xây dựng một trường tiểu học đầu tiên tại Thăng Bình để tạo điều kiện cho học sinh địa phương sau khi lấy bằng yếu lược có thể tiếp tục học lên cấp tiểu học ngay tại chỗ. Lời vận động của ông ngay lập tức được các nơi hưởng ứng. Chỉ trong vòng hai năm, từ năm 1933 đến năm 1934, theo ước tính, ông có thể quyên góp xấp xỉ 4.000 đồng, một số tiền không nhỏ lúc ấy, để xây trường.

Tưởng như mọi việc trôi chảy thì đùng một cái, tri phủ Lê Chí Hàm, nhân vật đóng vai trò chủ chốt, bị điều đi nơi khác.

Tin tức loan xa. Học sinh các trường chới với. Vậy là hy vọng mới lóe lên đã bị dập tắt. Nhiều học sinh học năm cuối ở các trường sơ học, công hương chỉ còn biết bám vào niềm hy vọng cuối cùng là mong viên tri phủ mới tiếp tục công việc dở dang của tri phủ Lê Chí Hàm. Trong lúc chờ đợi với sự hồi hộp và căng thẳng, học sinh Thăng Bình sửng sốt khi được tin chính quyền thực dân quyết định đình chỉ xây ngôi trường này.

Về nguyên nhân đình chỉ, những học sinh đứng tên kêu cứu trình bày tương đối rõ ràng trong bức thư nói trên: “Cái nguyên nhân tuyệt vọng ấy, chúng tôi có trộm nghe một đứa tiểu nhơn vì có thù riêng, nên nó làm giấy nặc danh gởi ra Bộ, bịa đặt ra những điều vô lý, nói là vì kinh tế khủng hoảng, dân không đủ sức nộp số tiền quyên, nên chính phủ không rõ thấu tình hình dân trong phủ hạt chúng tôi mà phải ra lịnh đình thiết. Vả lại cái số tiền quyên đó, quan Lê (tri phủ Lê Chí Hàm – CXXQ) ngài chỉ khuyến khích mấy nhà giàu có hảo tâm và các làng lấy công bổn mà nộp để giúp vào sự học, chớ có phiền gì đến dân đâu”.

Lá thư được gửi từ Thăng Bình ngày 5-8-1934.

Và, để phản bác, họ khẳng định số tiền quyên ấy không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày của người dân Thăng Bình. Hơn thế nữa, khi ngôi trường ra đời, sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để con em trong phủ, bất kể giàu nghèo, sang hèn, đều có thể theo học. Đó là cái lợi lớn. Đồng thời, họ cũng không quên nhắc nhở viên khâm sứ bằng những lời lẽ khá khôn khéo rằng: “Hãy lưu tâm đến vấn đề này, không vì đứa tiểu nhơn ấy mà bỏ cái nghĩa vụ lớn lao, mà chúng tôi ai nấy đều đương chờ đợi”.

Lá thư đề nghị của học sinh Thăng Bình hơn 70 năm trước đã phần nào phác họa đôi nét đơn sơ mà chân thực về thực trạng nền giáo dục của thực dân, phong kiến ở Thăng Bình nói riêng và Quảng Nam nói chung vào đầu thế kỷ XX. Chịu không nổi chính sách ngu dân ấy, học sinh Thăng Bình đã gửi thư kêu cứu tập thể. Và, hình thức đấu tranh ấy rõ ràng đã ít nhiều gây sức ép buộc thực dân Pháp phải xây dựng các trường tiểu học ở Thanh Ly và Kế Xuyên.

Nhưng, cả huyện chỉ có hai trường tiểu học thì còn lâu mới đáp ứng nổi nhu cầu về học hành của người dân địa phương. Cho nên, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đại đa số nhân dân Thăng Bình mù chữ âu cũng là điều dễ hiểu.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT (Bài viết có tham khảo sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình) 

;
.
.
.
.
.