.

Nhớ tiếc nghệ sĩ ưu tú Phan Ngạn

.

Phan Ngạn sinh ngày 20-7-1931 ở xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, quê hương của hô diễn bài chòi. Từ bé, ông đã quấn quýt với “Bài chòi, bài tới/ Đúng ba mươi lá/ Dang tay sớn sá/ Là gã Ông Ầm/ Trợt té xuống hầm/ Là anh Tứ Cẳng/ Nước da trăng trắng/ Là chị Bạch Huê/ Một cổ hai kê/ Là anh Chín Gối...”.

Chân dung NSƯT Phan Ngạn.
Ngày Tết, theo cha mẹ đến hội bài chòi, nghe “chỗ này là chỗ vui chơi, có trống cắc ca rụp cắc, có đờn cò xàng cống xê, có kèn nẫu thổi ò í e, có rượu rồi lại có chè, ta cứ gác chân ngồi tréo ngoảy mà nghe hô bài chòi!”. Yêu quý tài năng của những nghệ nhân dân gian trên đất quê hương, Phan Ngạn học và thuộc nhiều bài lẻ, bài lớp, tích bài chòi.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông vào Đội Thiếu sinh quân Lý Tự Trọng, làm tuyên truyền xung phong, được bổ túc trình độ học vấn ở trường trung học bình dân, học ca nhạc, bước đầu hoạt động văn nghệ. Từ năm 1948 đến cuối năm 1951, ông vừa học vừa hô diễn bài chòi phục vụ chiến sĩ và dân công đi chiến trường.

Với năng khiếu và lòng say mê nghệ thuật sân khấu và ca nhạc, Phan Ngạn được tuyển vào Đoàn Văn công quân đội, làm diễn viên ở tổ kịch dân ca. Vào đầu năm 1953, ông vào vai ở hoạt cảnh bài chòi Tình mẹ Thượng của Thái An, vở kịch bài chòi Giải phóng Kon Tum của Thái Hào Quyên và Thái An.

Phan Ngạn bắt đầu viết bài hô lẻ, hô đôi, dần dần đi vào vở diễn. Ông luôn tìm tòi, sáng tác làn điệu mới hòa hợp vào các giọng điệu, làm giàu sức thể hiện của ngành. Bà mẹ Gò Nổi, Ba cha con, Đóm lửa trên đồng mía đều được viết và dàn dựng tại chiến trường và vùng giải phóng. Với những tác phẩm này, các diễn viên Phụng Tiếp, Kim Lương, Mai Hương, Minh Cảnh, Thanh Trúc, Đỗ Quán, Vũ Thuật... được nhân dân và chiến sĩ yêu mến, khen ngợi.

Tháng 3-1962, chia tay với miền Bắc, Đoàn Văn công quân đội Liên khu 5 trở về vùng giải phóng miền Trung Trung Bộ, với tên Đoàn Văn công Quân giải phóng khu 5. Trong nhật ký ở chiến trường, Phan Ngạn ghi:

“Sau Tết Mậu Thân (1968), trước sức phản kích quyết liệt của địch, vở Ba cha con ra đời, góp phần nâng cao ý chí đánh thắng giặc cho bộ đội vượt lên những khó khăn trước mắt. (…) Tôi viết vở kịch bài chòi ngắn Đường ra phía trước. Viết xong, trước tình hình như thế, chúng tôi không dám diễn. Nhưng, vì nhiệm vụ phục vụ, động viên bộ đội, chúng tôi cứ diễn. Rất bất ngờ, buổi biểu diễn đầu tiên được cán bộ và chiến sĩ ưa thích. Sau đó, ở nơi biểu diễn nào, vở diễn cũng được khen ngợi. Vở diễn đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba”.

Sau khi đất nước thống nhất, Phan Ngạn vẫn gắn bó với Đoàn Văn công và ngành kịch hát bài chòi trên vùng đất Nam Trung Bộ. Lại tiếp tục viết, giảng dạy, chăm lo ngành bài chòi của phong trào quần chúng. Những hoạt cảnh dân ca với bài chòi Vui cảnh đoàn viên, Hoa đào – hoa mai, Chuyến đò nghĩa tình... và vở kịch bài chòi Mầm dừa đến với công chúng vùng mới giải phóng.

Năm 1991, nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, ra quân, về Quy Nhơn, cộng tác với Đoàn Ca kịch bài chòi tỉnh Bình Định, Phan Ngạn chuyển biên các vở diễn Chuyện tình nàng Sita của Lưu Quang Vũ, Tình yêu và tên cướp của Ngọc Tranh. Cùng với vợ là đạo diễn Kim Nam, Phan Ngạn lập “Câu lạc bộ Bài chòi cổ truyền”, tập hợp nghệ nhân dân gian hô diễn hoạt động, gìn giữ và giúp đỡ phong trào bài chòi trong tỉnh.

Rất tiếc, giữa lúc ngành kịch hát bài chòi ở miền Nam Trung Bộ đã bị thu hẹp và suy yếu dần, đang cần những con người tâm huyết vực dậy thì Nghệ sĩ – chiến sĩ Phan Ngạn đã qua đời ngày 20-12-2008 tại thành phố Quy Nhơn, sau một cơn bạo bệnh. Xin gửi lời nhớ thương, quý trọng đến người bạn đã cống hiến tâm hồn và tài năng cho một ngành kịch hát dân tộc, với hô diễn lẻ rồi từ đất lên dàn và chững chạc lên sân khấu của Tổ quốc.

TRƯƠNG ĐÌNH QUANG

 

;
.
.
.
.
.