Thư viện thay "áo mới" khơi nguồn văn hóa đọc

.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, thiết bị điện tử trở thành công cụ giải trí hấp dẫn thanh thiếu nhi, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã đầu tư đổi mới thư viện theo hướng hiện đại, thu hút học sinh đến đọc sách.

Các học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cùng nhau đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: T.P
Các học sinh Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cùng nhau đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: T.P

Với các em Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê), giờ ra chơi luôn là khoảng thời gian thú vị khi được đắm chìm một không gian đọc sách mở. Các em có thể đọc sách trên những chiếc ghế đá ở sân trường, gần gũi với không gian thiên nhiên, điều này tăng thêm hứng thú và hình thành nên thói quen đọc sách của các em.

Em Võ Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 5/4 chia sẻ: “Em và các bạn thích thú khi được đọc sách ở một không gian thoải mái, chúng em có thể dễ dàng lấy ngay cuốn sách mà mình muốn từ các tủ sách đặt tại sân trường. Em luôn ưu tiên việc đọc sách giấy hơn đọc trên điện thoại giảm gây hại đến mắt”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ: “Khác xa so với thư viện truyền thống lúc trước, giờ đây học sinh đến với thư viện không gian mở bao quanh là cây cối xanh tươi, không khí thoáng mát tạo được sự thoải mái khi đọc cho các em. Để khuyến khích các em say mê đọc sách hơn, nhà trường đã xây dựng nhiều chương trình như: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng, một cuốn sách hay”; “Mỗi thiếu nhi một cuốn sách làm bạn”, hoặc giới thiệu sách vào cuối giờ chào cờ thứ hai hằng tuần với nhiều chủ đề phong phú về Bác Hồ, kỹ năng sống, khoa học vũ trụ, thế giới động vật… Thông qua những hoạt động như vậy, niềm đam mê với sách cũng được nhân lên, được lan tỏa rộng khắp đến nhiều học sinh khiến tôi cảm thấy rất vui và tự hào về học trò của mình”.

Cô Hương cho biết thêm, hiện nay nhà trường có 3 tủ sách đặt tại sân trường hơn 1.550 đầu sách. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường “Tiết học thư viện” mỗi tuần 1 tiết học đối với các khối lớp 1, 2, 3 và mỗi tháng 1 tiết học đối với khối 4, 5 để định hướng cho các em nên chọn sách gì để đọc, đọc như thế nào, giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của mỗi cuốn sách.  Việc xây dựng thư viện mở đã tạo ra hứng thú đọc sách cho học sinh, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với sách, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức.

Ngoài thư viện truyền thống, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) còn xây dựng thêm một thư viện với không gian xanh mát có tên gọi “Thư viện hạnh phúc”. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành Huỳnh Thị Thu Nguyệt chia sẻ: “Sách in luôn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa đọc từ xưa đến nay. Vậy nên, chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình thư viện mở để các em đến với thư viện phải thực sự thấy hạnh phúc, không gian không còn khép kín như trước để các em tự do đọc sách. Và thông điệp mà nhà trường gửi gắm rằng “bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều; bạn càng đọc nhiều, bạn càng đi đến nhiều nơi”.

Để khơi gợi tình yêu đối với sách, Trường Tiểu học Núi Thành xây dựng các chương trình, kế hoạch đọc sách như: Giới thiệu sách hay vào tiết chào cờ mỗi tuần; kể chuyện theo sách, vẽ trang sách em yêu; viết bài cảm nhận về nhân vật trong sách; tổ chức trò chơi giải ô chữ theo chủ đề... những hoạt động bổ ích, thú vị này đã thu hút được các em và dần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Em Nguyễn Đức Minh Quân, học sinh lớp 5/2 chia sẻ: “Khi đọc sách ở Thư viện hạnh phúc em thấy rất thích vì được ngồi đọc tự do, mát mẻ, ánh sáng tự nhiên tốt cho sức khỏe. Cô Nguyệt thông tin, hiện nay nhà trường đầu tư khoảng 70 triệu đồng để mua sách song ngữ nhằm phục vụ nhu cầu đọc cho các em, đồng thời phát huy việc học ngoại ngữ trong nhà trường. Thư viện hạnh phúc là nơi chắp cánh tri thức cho học sinh, đồng thời cũng là một không gian giải trí cho những nhóm giáo viên hay là nơi để giáo viên và phụ huynh gặp gỡ, trò chuyện, ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ, tràn đầy yêu thương.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu), giáo viên thư viện Nguyễn Thị Mỹ Lệ chia sẻ, không gian thư viện mở đã có sức lôi cuốn thật sự với học sinh. Cứ giờ ra chơi, giờ tan học, các em lại đến các tủ sách đặt tại các góc trên sân trường để đọc sách trong tâm thế rất thoải mái. Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động như hội thi kể chuyện theo sách, thi vẽ bìa sách em yêu, thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức khoa học tự nhiên… Nhằm định hướng đúng đắn cho học sinh về việc đọc sách, biết chọn sách phù hợp với lứa tuổi của mình, nhà trường chú trọng đến công tác giới thiệu sách thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, tiết đọc thư viện, trang “fanpage” nhà trường. Để tạo nên sự mới mẻ trong việc đọc sách của học sinh, thư viện nhà trường thỉnh thoảng tổ chức luân chuyển sách giữa các lớp, mở rộng nguồn cung cấp sách qua phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”...

Theo cô Mỹ Lệ, để thay đổi nhận thức, thói quen đọc sách của học sinh, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết với hoạt động giới thiệu sách, giáo viên phải nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh, phải là người đam mê đọc sách, phải đọc để có cảm nhận, để chọn lựa và có những bài giới thiệu hay với học sinh. 

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.