Giáo dục

Bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến: Có giải quyết được bài toán "thiếu, thừa"?

07:52, 18/07/2018 (GMT+7)

Sau hơn 4 năm “siết” tuyển sinh trái tuyến, kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa IX đã thông qua tờ trình bãi bỏ một phần nội dung Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13-12-2013 của HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 (gọi tắt là Nghị quyết số 53) về việc cấm tuyển sinh trái tuyến ở một số trường được xem là tốp trên.

Liệu điều này có giải quyết được căn cơ bài toán nơi thiếu, nơi thừa học sinh diễn ra nhiều năm nay tại thành phố Đà Nẵng?

Việc bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến giúp nhiều trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Phan Thanh.
Việc bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến giúp nhiều trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Phan Thanh.

Gỡ khó cho các trường tốp trên

Để tránh quá tải và tình trạng “chạy trường” mỗi mùa tuyển sinh, cách đây 4 năm, Nghị quyết số 53 quyết định các trường tiểu học (TH): Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), Trường TH Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh trái tuyến và học sinh có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường.

Điều này đã góp phần giảm quá tải cho các trường tốp trên. Tuy nhiên, cũng từ đó, số lượng học sinh thuộc địa bàn tuyển sinh của 5 trường này giảm, dẫn đến tình trạng một số trường thừa phòng học trong khi các trường khác lại quá tải.

Đơn cử như Trường TH Hoàng Văn Thụ và Trường TH Phan Thanh bị tụt từ trường hạng 1 xuống trường hạng 2 vì chỉ còn dưới 28 lớp. Học sinh giảm dẫn đến dôi dư phòng học, giáo viên. Sau khi thực hiện quyết định, các trường trên liên tục giảm số lớp, từ 34 lớp/năm xuống còn 21, 22 lớp. Trường THCS Trưng Vương có 50 lớp (năm học 2013-2014) giảm xuống còn 45 lớp (năm học 2015-2016).

Phòng GD&ĐT quận Hải Châu cũng phải điều chuyển hàng chục giáo viên từ các trường nằm trong diện thực hiện nghị quyết sang các trường tiểu học khác trên địa bàn.

Theo ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê,  Nghị quyết số 53 có mặt tích cực là giúp giảm áp lực cho một số trường trọng điểm; tuy nhiên, qua một thời gian đã có nhiều điểm mới phát sinh nên cần điều chỉnh.

Đơn cử như Trường TH Trần Cao Vân vừa được đầu tư xây dựng thêm 1 cơ sở ở đường Hoàng Hoa Thám với 20 phòng học mới, trong khi số lượng học sinh ở một số trường khác lại quá đông như các trường TH: Điện Biên Phủ, Huỳnh Ngọc Huệ, Bế Văn Đàn…

“Dân cư hiện nay phân bố không đồng đều và thường nơi nào an sinh tốt thì dân cư tập trung đông. Bởi vậy, việc giao quyền chủ động điều tiết cho địa phương là cần thiết”, ông Sơn nói.

Việc bỏ cấm trái tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường trên trong tuyển sinh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thùy Duyên, Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Văn Thụ cho thay, phương án tuyển sinh của nhà trường vẫn phải bảo đảm ưu tiên học sinh đúng tuyến, sau đó mới nhận học sinh trái tuyến.

Đối với những trường hợp ưu tiên thuộc diện trái tuyến thì phải xét theo hoàn cảnh gia đình, chẳng hạn có cha mẹ làm việc gần trường… Bà Nguyễn Lê Uyên, Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh cũng cho rằng, trước tiên vẫn phải nhận học sinh học đúng tuyến, còn lại mới nhận học sinh ngoại tuyến; đồng thời phải bảo đảm sĩ số học sinh để có thể học 2 buổi/ngày.

Cần có giải pháp căn cơ hơn bên cạnh việc bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Cần có giải pháp căn cơ hơn bên cạnh việc bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến. 

Cần giải pháp căn cơ

Như vậy, việc bỏ một phần chủ trương “siết” tuyển sinh trái tuyến sẽ giúp “cởi trói” cho một số trường trong tuyển sinh và khắc phục tình trạng thiếu học sinh, dư phòng học và giáo viên. Tuy nhiên, dư luận lo ngại liệu đây có phải là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nơi thừa, nơi thiếu học sinh?

Ngành giáo dục quận Hải Châu đang thực hiện việc điều tiết học sinh ở một số trường. Đơn cử như điều tiết 39 học sinh (tạm trú trên địa bàn) từ Trường TH Núi Thành về Trường TH Phan Thanh, nhưng hiện nhà trường chỉ mới nhận được khoảng 10 hồ sơ.

Điều đó cho thấy, không phải cứ “mở” là lượng học sinh sẽ lại ùa về những trường đã từng là mơ ước một thời. Một cán bộ làm việc lâu năm trong ngành giáo dục cho rằng, bên cạnh việc “mở” chủ trương, cần phải hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung giáo viên cho những trường này để đáp ứng nhu cầu mới nếu số học sinh đông hơn.

Trường TH Hoàng Văn Thụ đang đề xuất xây dựng lại dãy phòng học xuống cấp, đồng thời xin thêm 2 giáo viên. Trường TH Phan Thanh cũng đang đề xuất xin thêm 2 giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, nguyên nhân sâu xa chính là từ quy hoạch. Nơi nào trường lớp khang trang, thầy giỏi, đương nhiên phụ huynh sẽ tìm đến để gửi con học.

Bởi vậy, ngoài việc bỏ cấm tuyển sinh trái tuyến còn cần phải có sự đổi mới toàn diện, đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, giáo viên, tránh sự chênh lệch giữa trường này với trường kia, vùng này với vùng khác. Ngoài ra, phải căn cứ vào dự báo phát triển dân số, mật độ dân cư trên địa bàn và nhu cầu học tập để xây dựng quy hoạch giáo dục hài hòa, hợp lý, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.