Đào tạo nhân lực du lịch thời 4.0

Bài cuối: Cần đột phá từ đào tạo

.

Những người làm du lịch của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã nhận thấy được tầm quan trọng của du lịch trực tuyến nhưng việc áp dụng và khai thác phương thức kinh doanh mới này chưa được nhiều. Trong khi đó, một số trường đại học đã thay đổi, bổ sung môn đào tạo như Quản trị thương hiệu trên mạng, Quản trị khách hàng, Kỹ thuật thông tin để theo xu thế…

Thay đổi hoạt động phục vụ du lịch bắt đầu từ khâu đào tạo nhân lực ngành du lịch. Trong ảnh: Giờ thực hành thiết kế web và phần mềm quảng bá du lịch của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng.
Thay đổi hoạt động phục vụ du lịch bắt đầu từ khâu đào tạo nhân lực ngành du lịch. Trong ảnh: Giờ thực hành thiết kế web và phần mềm quảng bá du lịch của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng.

Chưa khai thác hết lợi thế

Ở nước ta, việc quảng bá và bán các dịch vụ du lịch qua mạng internet đã khá phổ biến. Từ các doanh nghiệp du lịch lớn cho đến các khách sạn mini, thậm chí tại các hostel, doanh thu có được từ kinh doanh qua mạng đang ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ cố gắng xây dựng trang web, khai thác các trang mạng tìm kiếm và các trang mạng đánh giá và booking dịch vụ du lịch nhằm gia tăng doanh thu. Trong khi những vấn đề về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, quản trị giá trị thương hiệu điện tử, quản trị rủi ro tài chính và rủi ro truyền thông cũng như quản trị quan hệ khách hàng từ khai thác thông tin có được vẫn chưa được chú trọng.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dù đa phần các doanh nghiệp đã vận dụng internet trong việc phát triển du lịch nhưng vẫn còn ở những giai đoạn sơ khai, chủ yếu mới chỉ ứng dụng trong việc liên hệ và quảng bá sản phẩm nên chưa khai thác hết được các lợi thế của công nghệ cạnh tranh.

TS Trần Hoàng Vũ, Phó khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết, trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay vẫn chưa bắt kịp xu thế này:

“Qua quá trình khảo sát về nội dung các trang web giới thiệu du lịch thì thấy hầu hết chỉ tập trung vào việc giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử dưới dạng văn bản và kèm một vài hình ảnh minh họa, thiếu tính sinh động, hấp dẫn đối với người xem. Bởi vậy, hầu hết các trang web về quảng bá du lịch vẫn chưa phát huy được hết khả năng quảng bá du lịch”, TS Vũ phân tích.

Thay đổi bắt đầu từ trường học

Nhiều trường đại học tại Đà Nẵng đang bắt đầu thay đổi việc đào tạo nhân lực ngành du lịch theo xu hướng nghiêng về kinh doanh trên mạng. Đơn cử như tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, TS Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch cho biết, môn Chiến lược xây dựng giá trị thương hiệu lâu nay được nhà trường cũng như các trường khác dạy rồi, nhưng xây dựng trên mạng mới là vấn đề cần nhắm đến.

“Chúng tôi vẫn giữ các chuyên ngành truyền thống nhưng sẽ bổ sung thêm một chuyên ngành về kinh doanh trên mạng để các em có thể làm ở cả hai khía cạnh này. Nội dung chương trình sẽ thay đổi, bổ sung một số môn như: quản trị thương hiệu trên mạng, quản trị quan hệ khách hàng, kỹ thuật thông tin...

Về phương pháp giảng dạy thì sử dụng môi trường ảo cho học trò thực tập, luyện tập ngay trên không gian ảo, thực hành nhiều hơn, cũng không tốn kém nhiều. Thời gian tới, nhà trường sẽ khai thác các quan hệ hợp tác vốn có với các trường đại học khác để gia tăng khối lượng kiến thức và kỹ năng kinh doanh du lịch theo hướng này”, TS Trương Sỹ Quý nói.

Để tiên phong trong công cuộc đổi mới giảng dạy và sáng tạo trong nghiên cứu, các giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đang tiến hành nghiên cứu triển khai rất nhiều đề tài trọng điểm các cấp.

Trong đó, nổi bật nhất là hướng nghiên cứu về “Du lịch thông minh”. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất kiến trúc tổng thể hệ thống dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách với định hướng thành phố thông minh và chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ du khách nhằm phát triển du lịch bền vững. “Chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng giải pháp tổng thể cung cấp hệ thống dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách theo định hướng thành phố thông minh tại Việt Nam. Trong đó, hỗ trợ cả du khách, tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quản quản lý Nhà nước về du lịch. Đồng thời xây dựng những ứng dụng có thể tương tác làm việc được với những công nghệ mới như phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ hướng ngữ cảnh, kiến trúc vi dịch vụ… để phát triển du lịch bền vững và thông minh”, TS Trần Hoàng Vũ chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ du lịch tổng thể, bao gồm những thiết bị phần cứng chuyên dụng lẫn hệ thống phần mềm. Song song đó là dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho du khách, dịch vụ hỗ trợ cho tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để quản lý cả du khách lẫn các tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ – THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.