Nỗi khổ trường chật

.

Trường chật, sân chơi, bãi tập không bảo đảm là thực trạng ở nhiều trường học tại Đà Nẵng hiện nay.

Vì diện tích quá hẹp nên khoảng sân chơi duy nhất tại Trường mầm non Hoàng Mai (quận thanh Khê) được trưng dụng để xe máy và đồ đạc.
Vì diện tích quá hẹp nên khoảng sân chơi duy nhất tại Trường mầm non Hoàng Mai (quận thanh Khê) được trưng dụng để xe máy và đồ đạc.

Tại Trường mầm non Hoàng Mai  (cơ sở 1) trên đường Lê Đình Lý (quận Thanh Khê), các bé chủ yếu chơi trong lớp hoặc ở hành lang khá chật hẹp. Khoảng sân chơi ở tầng 1, nơi được xem là “rộng” nhất được trưng dụng làm chỗ để xe máy của giáo viên và chứa ghế nhựa...

Tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội, cô Thân Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơ sở này chỉ có diện tích hơn 400m2 với 12 phòng (trong đó có 9 phòng học và 3 phòng chức năng), trong khi học sinh hiện có 335 em thuộc tất cả các khối lớp. Mỗi khi cần họp, nhà trường phải lấy một lớp làm phòng họp hội đồng. Không những thế, mỗi lần tổ chức thêm các trò chơi, các cô phải đưa hết ghế nhựa, đồ chơi, xe máy... sang để nhờ nhà dân, nhưng không gian cho các bé vui chơi vẫn không đủ.

“Tội nhất là các bé không có nhiều không gian chơi đùa để phát triển toàn diện”, cô Hiếu nói. Cơ sở 2 của nhà trường nằm trên một con hẻm ở đường Ông Ích Khiêm. Tại đây, mặc dù nhà trường nhận cả các cháu 18 tháng tuổi nhưng vẫn ít phụ huynh gửi vì đường vào trường hẹp, bất tiện đưa, đón trẻ.

Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, trên địa bàn có nhiều trường diện tích không đáp ứng đủ yêu cầu dạy học như: Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường mầm non Hoàng Mai... Các trường này đều phải tận dụng tối đa diện tích hiện có để phục vụ cho việc dạy học, thậm chí có khi phải gửi nhờ học sinh sang học ở trường khác.

Theo cô Hiếu, cũng vì diện tích không đáp ứng đủ nên gần chục năm nay, mặc dù thầy và trò nhà trường nỗ lực dạy học và tổ chức, tham gia nhiều hoạt động đạt kết quả cao nhưng việc được công nhận trường chuẩn quốc gia vẫn còn khá xa vời.

Còn ở Trường tiểu học Trần Thị Lý (quận Hải Châu), 800 học sinh vẫn phải sinh hoạt, học tập trong diện tích khoảng 1.200m2, tức chưa đến 2m2/học sinh, trong khi quy định tối thiểu ở nội thành phải đạt 6m2/học sinh. Cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2017-2018, số phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào học khá đông và dự định sẽ có 5 lớp 1.

Tuy nhiên, do diện tích phòng học không đủ đáp ứng nên nhà trường đành phải vận động khoảng gần 30 phụ huynh nộp hồ sơ qua Trường tiểu học Ông Ích Khiêm ở gần đó để giảm tải. “Hiện nay, nhà trường vẫn chưa có bãi tập để các em có thể tham gia nhiều môn thể thao rèn luyện sức khỏe”, cô Tuyết chia sẻ. Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, số lượng học sinh trên địa bàn tăng nhanh hằng năm, trung bình khoảng 700 em/năm, trong khi diện tích nhiều trường học nhỏ và gần như không thể mở rộng thêm...

Theo thống kê, diện tích đất dành cho giáo dục ở Đà Nẵng hiện chưa đủ so với yêu cầu. Bình quân của cả thành phố, ở bậc mầm non chỉ đạt 11m2/học sinh (trong khi yêu cầu 12m2/học sinh), ở bậc phổ thông chỉ 9,8m2/học sinh (trong khi yêu cầu 10m2/học sinh). Tại một số quận trung tâm, diện tích đất dành cho giáo dục còn thấp hơn.

Đơn cử như tại quận Hải Châu, hiện diện tích đất trung bình dành cho học sinh mầm non là 4,5m2/em, tiểu học là 3,6m2/em, THCS là 3,9m2/em. Trong khi theo phê duyệt của UBND thành phố, diện tích đất tối thiểu bình quân đối với ngành học mầm non là 8m2/học sinh nội thành, 12m2/học sinh ngoại thành, các bậc học còn lại là 6m2/học sinh nội thành, 10m2/học sinh ngoại thành. Như vậy, đến năm 2030 cần phải bổ sung 1.116.736m2 đất.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, vẫn còn nhiều trường có diện tích đất chưa đủ chuẩn. Bình quân hiện nay toàn thành phố, đất dành cho các cơ sở giáo dục chỉ đạt 48,8% so với nhu cầu và với tình hình dân số tăng nhanh mỗi năm, nhu cầu này lại càng bức thiết.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu diện tích tại các trường học cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia của các trường. Ông Vĩnh cho hay, hiện nay, UBND thành phố đang phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên dành quỹ đất và ưu tiên vị trí cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở giáo dục đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

“Để giải bài toán thiếu diện tích trường học, thời gian đến, chúng tôi đề xuất xây dựng thêm trường lớp mới theo hướng đẩy mạnh các trường vùng ven để giãn số lượng học sinh công lập, mở rộng những trường còn có khả năng mở rộng được, phân bổ học sinh theo đơn vị tổ dân phố cho hợp lý, khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển, giảm sức ép lên các trường ngoài công lập. Ngoài ra, các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nhiều năm qua tuyển sinh không hiệu quả thì được khuyến khích chuyển sang loại hình trường nhiều cấp (tức là cấp 1, 2 và 3 trong 1 trường)”, ông Vĩnh nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.