Chế độ đãi ngộ cho giảng viên còn thấp

.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Để hoàn thiện đề án, ngày 7-9, Bộ GD-ĐT có cuộc họp tại thành phố Đà Nẵng để lắng nghe ý kiến đóng góp, chia sẻ của cán bộ quản lý, giảng viên của Đại học Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Cần có chế độ đãi ngộ cao hơn đối với giảng viên đại học. Trong ảnh: Giờ học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Cần có chế độ đãi ngộ cao hơn đối với giảng viên đại học. Trong ảnh: Giờ học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Còn nhiều bất cập trong chế độ đãi ngộ và đào tạo giảng viên đại học là một trong những nội dung chính được nêu cuộc họp bàn lần này.

Khó thu hút người giỏi

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ nhưng chỉ có trên 16.500 người là giảng viên ở các trường đại học (ĐH). Năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường ĐH là gần 73.000 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016. Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người, chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trên toàn quốc) và đã ở độ tuổi cao. Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) hiện có hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trong đó có hơn 1.400 giảng viên (chiếm hơn 62%). ĐHĐN có 391 tiến sĩ, 90 giáo sư và phó giáo sư… Trong đó, có trên 50% giảng viên có thể sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy và 100% giảng viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Tuy nhiên, số lượng giảng viên này vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho các trường và hằng năm vẫn phải tuyển thêm nhiều giảng viên.

TS. Đoàn Gia Dũng, Trưởng ban Tổ chức-cán bộ thuộc ĐHĐN cho biết, nhiều năm qua, ĐHĐN chú trọng công tác đào tạo nhân lực trình độ cao, đặc biệt là cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài nhưng do đặc điểm từng trường có những xuất phát điểm khác nhau, cộng với đặc thù về đội ngũ cán bộ, giảng viên có tỷ lệ nữ cao nên nhiều người chưa có điều kiện thuận lợi để đi học tập nước ngoài. “Các quy định hiện hành còn nhiều hạn chế nên các trường ĐH công lập gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các giáo sư, nhà nghiên cứu, các tài năng trẻ tốt nghiệp tại những trường ĐH ở các nước tiên tiên trên thế giới ”, TS. Đoàn Gia Dũng nói.

TS. Lê Thị Giao Chi, Trưởng khoa Sư phạm ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHĐN) cho rằng: “Nếu một tiến sĩ học ở nước ngoài phải bỏ ra nhiều năm trời, mất nhiều công sức, tiền bạc để học tập nhưng khi về nước chỉ nhận mức lương vài triệu đồng/tháng thì thật sự chế độ “đãi ngộ” này chưa hấp dẫn người tài. Bởi vậy, cần có chế độ tốt hơn đối với đội ngũ giảng viên để họ toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giảng dạy mới có thể nâng cao được chất lượng”.

Giảng viên cần được học và nghiên cứu nhiều hơn

Theo ông Võ Châu Tuấn, Trưởng khoa Sinh-Môi trường, Trường ĐH Sư phạm (ĐHĐN) nêu quan điểm, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học. “Giảng viên cần được hỗ trợ kinh phí để đi thực tế nhiều hơn, tham quan các mô hình ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi được cử đi thì phải có sự cam kết triển khai ứng dụng một phần những điều đã học vào giảng dạy”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, theo ông Tuấn, cần phải có chính sách tốt để các giảng viên có thể yên tâm công tác.

PGS.TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHĐN) cho rằng, cần phải có khoảng thời gian cho giảng viên nghỉ ngơi để họ tập trung nghiên cứu khoa học, viết bài tham gia các tạp chí khoa học mới có thể nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, để có giảng viên giỏi thì có thể chọn một số sinh viên giỏi đưa đi đào tạo ở nước ngoài để về giảng dạy. Kinh phí đó nhà trường phải hỗ trợ.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo thuộc Bộ GD-ĐT chia sẻ, thực tế chương trình đào tạo hiện nay ở bậc ĐH vẫn còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn. Bởi vậy, kiến thức thực tế của giảng viên vẫn còn ít. “Giảng viên muốn dạy về tiếp thị thì ít nhất cũng phải đi thực tế, hiểu về nghề, muốn giảng về cách phục vụ trong khách sạn nhà hàng thì phải xuống nhà hàng tìm hiểu… Phải bắt đầu từ cơ sở, từ thực tiễn mới nâng cao được chất lượng”, ông Thập nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.