Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

.

Một trong những tồn tại của công tác đào tạo nghề là nhà trường chỉ đào tạo cái mình có hơn là đào tạo cái xã hội cần. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, công tác đào tạo nghề đã được đổi mới…

Người lao động tìm hiểu việc làm tại Ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: THANH VÂN
Người lao động tìm hiểu việc làm tại Ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: THANH VÂN

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, Đà Nẵng hiện có 56 cơ sở dạy nghề; trong đó có 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 14 trung tâm và 32 cơ sở dạy nghề, đào tạo 163 ngành nghề với quy mô trên 51.000 học sinh, sinh viên. Nếu so sánh với các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, công tác đào tạo nghề của Đà Nẵng phát triển tốt về số lượng trường, cơ sở dạy nghề, quy mô đào tạo và sự phong phú về các nhóm ngành nghề. Điều đáng nói là ở nhóm các trường cao đẳng, trung cấp nghề khoảng 5 năm trở lại đây đã đưa vào đào tạo nhiều ngành nghề mà xã hội cần, kể cả những ngành nghề mang tính đón đầu.

Điển hình như Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng hiện đào tạo đến 29 nghề, trong đó ngoài một số có tính “truyền thống” như cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ hàn, sửa chữa máy tính...; gần đây có thêm nghề thiết kế thời trang, nghiệp vụ lưu trú, logistics...

Đây là những nhóm ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực khá lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp. Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc với nhóm 11 nghề, trong đó có những nghề nhu cầu tuyển dụng khá cao như quản trị khách sạn, marketing du lịch, kỹ thuật pha chế đồ uống.

Riêng Trường Cao đẳng Thương mại có đến 38 nghề, trong đó khá nhiều nghề mang tính đón đầu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp như nghề an toàn trong vận chuyển công nghiệp, bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, thương mại điện tử. Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Đà Nẵng đào tạo nghề về nghiệp vụ quản lý chợ… Đây là những nghề lâu nay nguời lao động chủ yếu làm theo kiểu vừa làm, vừa học, chứ chưa được đào tạo bài bản.

Không những đào tạo theo “đơn đặt hàng từ nhà tuyển dụng”, các trường còn nỗ lực giải quyết “đầu ra” cho học sinh, sinh viên. Đi đầu là Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng luôn tổ chức tốt Ngày hội việc làm hằng năm, với sự tham gia của rất nhiều nhà tuyển dụng là doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại những chương trình này, rất dễ nhận thấy sự “tương thích” rõ giữa nhà tuyển dụng và người xin việc khi các gian hàng về tuyển dụng nhân sự bếp, phục vụ buồng phòng, thực hành cơ khí... luôn kín học sinh, sinh viên tham quan và đăng ký phỏng vấn tuyển dụng. Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức ngày 21-5 vừa qua, hơn 500 người đã được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, hơn 500 học sinh, sinh viên khác nhận được lịch hẹn phỏng vấn từ các nhà tuyển dụng.

Học sinh THPT tham gia Ngày hội việc làm do Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức.
Học sinh THPT tham gia Ngày hội việc làm do Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức.

Bên cạnh sự cố gắng của các trường, 3 năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội việc làm hằng năm với sự tham gia của gần 150 doanh nghiệp cùng trên 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng.

Riêng Ngày hội việc làm năm 2017 có 168 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên 4.100 chỉ tiêu. Trong đó có khá nhiều ngành nghề phổ thông như: kỹ thuật điện, buồng phòng, nấu ăn, lễ tân, hàn công nghiệp, bảo quản cầu đường... và một số ngành nghề mới như tư vấn bảo hiểm, tổ chức sự kiện. Mới đây nhất, Ngày hội việc làm do Trường Đại học Đông Á tổ chức có sự tham gia của 32 doanh nghiệp. Kết quả, hơn 2.100 sinh viên được tuyển dụng và nhận lịch phỏng vấn…

Những kết quả này cho thấy xu hướng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lượng lao động được đào tạo nghề cụ thể và có thể làm việc được ngay là rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đây là kết quả chứng minh việc nhà trường đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp là theo đúng nhu cầu của thị trường lao động.

Điều này không chỉ thể hiện qua số học sinh, sinh viên được tuyển dụng mà còn ở chất lượng lao động khi hầu hết số người được tuyển dụng có thể làm được việc ngay ở doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian đào lại như trước đây. Về vấn đề này, PGS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, Ngày hội việc làm đã tạo cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, là cơ sở tốt để nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Mặc dù vậy, công tác tuyển dụng của doanh nghiệp cũng cho thấy một tồn tại: hầu hết các trường nghề tổ chức ngày hội tuyển dụng việc làm vẫn “gói gọn” trong khuôn khổ của nhà trường, trong khi doanh nghiệp mong muốn được tuyển dụng nguồn lao động rộng rãi hơn để có sự lựa chọn tốt hơn. Bản thân không ít người lao động khi đi tuyển dụng chưa có sự chuẩn bị cần thiết về các văn bằng, chứng chỉ; thậm chí, có ứng viên còn khá mơ hồ về vị trí mình xin tuyển dụng, cũng như không tìm hiểu đơn vị mình xin dự tuyển nên không được nhà tuyển dụng chọn lựa… Giải quyết được những tồn tại này, các trường, cơ sở đào tạo nghề sẽ có “đầu ra” tốt và doanh nghiệp cũng có nguồn lao động bảo đảm yêu cầu cho hoạt động của mình.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, Đà Nẵng hiện có 56 cơ sở dạy nghề; trong đó có 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 14 trung tâm và 32 cơ sở dạy nghề, đào tạo 163 ngành nghề với quy mô trên 51.000 học sinh, sinh viên.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.