Chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo

.

ĐNĐT - Ngày 3-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo diễn tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng).

các đại biểu tham gia buổi chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo diễn tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng) do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.
Các đại biểu tham gia buổi chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo diễn tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm mới, trong đó có việc không giới hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đối với thí sinh. Do vậy, khả năng số lượng thí sinh “ảo” sẽ rất cao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay các trường đại học thành lập hai nhóm xét tuyển lớn là nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam.

Theo đó, nhóm phía Nam có 72 trường đại học, còn phía Bắc có 54 trường đại học lớn.

Ngay khi có phương án tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng phần mềm xét tuyển, lọc ảo. Phần mềm này dựa trên nền tảng là quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Mới đây, khi hai nhóm mới thành lập thì phần mềm cũng đã được điều chỉnh theo yêu cầu của hai nhóm này.

Không bắt buộc các nhóm sử dụng hay phải theo quy trình nào mà dựa trên đề xuất của các nhóm và Bộ GD&ĐT tôn trọng đề xuất của các nhóm.

Hiện cả hai nhóm đều đã khẳng định quy trình xét tuyển và lọc ảo của riêng mình. Sử dụng hai phương thức khác nhau nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá thì tất cả đều cùng mục đích là loại ảo. Quy trình loại ảo dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ của các trường; tức là việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển là do các trường quyết định.

Đồng thời, phần mềm này giúp có sự liên thông trong nhóm. Ví dụ 72 trường trong nhóm phía Nam thì có một trường điều chỉnh mở rộng danh sách trúng tuyển hoặc giảm điểm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến các trường khác. Các trường khác sẽ thấy được sự điều chỉnh của trường này tác động đến danh sách trúng tuyển trường mình như thế nào, từ đó điều chỉnh điểm chuẩn cũng như danh sách trúng tuyển làm sao cho phù hợp với chỉ tiêu.

Điều quan trọng nhất là trong mỗi lần chạy phần mềm xét tuyển, mỗi thí sinh trong nhóm đấy chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.

Như vậy, nhóm càng rộng thì hiệu quả càng cao. Dựa trên nguyên tắc ấy, nhóm phía Bắc xây dựng quy trình xét tuyển của mình theo phương thức điều chỉnh điểm chuẩn.

Tức là các trường có thể điều chỉnh trực tuyến điểm chuẩn của mình. Mỗi lần thay đổi điểm chuẩn như vậy thì cả nhóm ấy sẽ có những tác động, các trường khác cũng sẽ điều chỉnh nếu thấy nó có tác động lớn đến chỉ tiêu của trường mình, nếu không thì giữ nguyên.

Quy trình của nhóm phía Nam là điều chỉnh trên danh sách trúng tuyển dự kiến. Tức là từng trường xây dựng danh sách trúng tuyển dự kiến của mình và đưa lên phần mềm của nhóm.

Nhóm sẽ lọc ảo và lựa ra những thí sinh trúng tuyển các nguyện vọng cao nhất do các em đăng ký. Để bảo đảm rằng mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất và nó rơi vào trường nào thì các em về học trường ấy. Theo Thứ Trưởng Bùi Văn Ga, sẽ tiến tới cả nước cùng dùng chung một phần mềm để đỡ vất vả chạy giai đoạn 1 ở nhóm rồi giai đoạn 2 lên Bộ.

Dự kiến ngày 10-6, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển đề thi về các địa phương để tiến hành in sao và chuyển đến các điểm thi.

Bộ cũng đã xây dựng ngân hàng đề thi đầy đủ để Ban đề thi quốc gia có thể sử dụng nó để biên soạn đề thi cho năm nay.

Năm nay, mỗi em sẽ có một mã đề thi riêng, mỗi phòng có 24 em (trước đây hơn 30 em) nên về mặt kỹ thuật các em không thể hỏi nhau, hạn chế tối đa việc trao đổi. Mỗi phòng thi có một giáo viên phổ thông (địa phương khác điều đến) và một giảng viên đại học nên bảo đảm tính nghiêm túc trong coi thi. Ngoài ra, việc chấm thi sẽ thực hiện bằng hình thức phần mềm máy quét nên không ai can thiệp vào kết quả thi được.

 Tin và ảnh: Phương Trà

;
.
.
.
.
.