.

Cẩn trọng với tư vấn du học - Bài cuối: Cần kiểm soát hoạt động tư vấn du học

.

Hiện nay, tư vấn du học được xem là hoạt động kinh doanh thông thường theo Luật Đầu tư, không chịu sự quản lý, cấp phép, giám sát của ngành giáo dục.

Hoạt động tư vấn du học cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch. (Ảnh mang tính minh họa)
Hoạt động tư vấn du học cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch. (Ảnh mang tính minh họa)

Đưa con đi du học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến không còn là chuyện mới mẻ, nhưng do hạn chế về thông tin, ngôn ngữ, thời gian tìm hiểu nên hầu hết phụ huynh phải tìm đến các trung tâm, đơn vị tư vấn du học để được hỗ trợ. Thực tế, có nhiều đơn vị tư vấn du học hỗ trợ rất hiệu quả cho phụ huynh trong việc đưa các em đi du học. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý nên không ít trung tâm tư vấn lấy lợi nhuận tối đa làm mục đích chính, thông tin, quảng cáo theo kiểu thổi phồng để “móc túi” phụ huynh.

Theo chị Nguyễn Thùy Linh (45 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Hải Châu), người có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa con đi du học, bên cạnh nghe tư vấn viên tư vấn, phụ huynh phải tìm hiểu thêm thông tin qua nhiều kênh, như trang web của trường, mạng xã hội, đặc biệt là kinh nghiệm, đánh giá của những phụ huynh từng đưa con đi du học. Nếu nhờ các công ty môi giới, phụ huynh nên đến những cơ sở uy tín, các văn phòng du học của các lãnh sự quán…

“Phải yêu cầu gửi catalog bằng tiếng Anh, trong đó có đầy đủ thông tin học phí từng ngành và chi phí nhập trường; khi nộp tiền phải có hợp đồng, hóa đơn đầy đủ”, chị Linh chia sẻ. Chị Linh cho rằng, khi được giới thiệu về các loại học bổng, học sinh và phụ huynh cần phải xem thật kỹ là học bổng năm nào, thời hạn, các điều khoản để được cấp học bổng... Ngoài ra, phải bảo đảm năng lực tài chính, bởi các trường tư thục thường có mức học phí cao hơn trường công dù đã được trừ mức hỗ trợ tài chính.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 40.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 5.000 du học sinh đi bằng học bổng hiệp định hoặc ngân sách Nhà nước, còn khoảng 35.000 người đi tự túc thông qua những trung tâm tư vấn, môi giới du học .

Ông Võ Khắc Tiến, Phó phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Căn cứ Luật Đầu tư 2014, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tư vấn du học chỉ cần thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật, giấy đề nghị đăng ký kinh doanh thể hiện ngành nghề là tư vấn du học (dịch vụ hỗ trợ giáo dục). Bởi thế, đơn vị nào thành lập mới có gửi thông báo đến sở thì chúng tôi biết, còn không thì cũng chịu”.

Thống kê chưa đầy đủ của Sở GD&ĐT, Đà Nẵng hiện có 43 công ty, tổ chức, chi nhánh, trung tâm... hoạt động dịch vụ tư vấn du học. Ước tính, mỗi năm 43 đơn vị này đưa khoảng hơn 400 học sinh, sinh viên đi du học tự túc, chủ yếu là người Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế...

Còn thực tế, có khá nhiều các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này mà ngành giáo dục vẫn chưa thống kê được; tất nhiên, hoạt động cũng như chất lượng tư vấn chưa thể bảo đảm. Bởi thế, về vụ việc Trung tâm ILA Đà Nẵng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong tư vấn du học, ông Tiến cho biết, theo phân cấp quản lý, đơn vị phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý theo đúng chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn của gia đình cháu Hồ Nhật Minh và đang xử lý. Theo nhận định ban đầu, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu qua điều tra đúng như thế thì sẽ xử lý, khởi tố theo quy định của pháp luật”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) Đặng Công Vĩnh, hiện nay, nhiều em có nguyện vọng đi du học và đây là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động tư vấn du học đang có nhiều kẽ hở nên các đơn vị làm trong lĩnh vực này có thể lợi dụng để ăn chặn, móc túi, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi.

Mặt khác, việc học ở nước ngoài cũng ẩn chứa rủi ro bởi đây không chỉ là quá trình học tập kiến thức, kỹ năng sống mà còn là quá trình các em rèn luyện nhân cách. “Nhà nước và các địa phương cần siết chặt quản lý đối với các đơn vị hoạt động thiếu minh bạch, gian dối, có dấu hiệu lừa đảo. Các cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm minh những đơn vị cố tình đưa thông tin sai lệch, thổi phồng để ăn chặn, chiếm đoạt tài sản”, ông Đặng Công Vĩnh nói. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, đầy đủ về việc du học để người dân ngiên cứu, lựa chọn con đường học tập một cách đúng đắn và hiệu quả nhất cho con em mình.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.