.

Tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

.

Bên cạnh việc đào tạo, các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên. Không chỉ góp phần nâng cao uy tín và tạo dựng thương hiệu, hoạt động này còn mang lại nguồn thu đáng kể cho trường.

Việc tuyên dương khen thưởng kịp thời có ý nghĩa khuyến kích đội ngũ giảng viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) khen thưởng giảng viên nghiên cứu khoa học.
Việc tuyên dương khen thưởng kịp thời có ý nghĩa khuyến kích đội ngũ giảng viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) khen thưởng giảng viên nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Trong năm học 2015-2016, lần đầu tiên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai đăng ký các hoạt động khoa học-công nghệ đến từng cán bộ, giảng viên và các đơn vị trong nhà trường. Chỉ riêng năm học 2015-2016, cán bộ, giảng viên của nhà trường thực hiện được hơn 163.000 giờ nghiên cứu khoa học (NCKH), vượt 37% so với kế hoạch.

Ngoài ra, hàng loạt các hội nghị, hội thảo khoa học được tổ chức tại trường thu hút khá đông giảng viên tham gia; qua đó thúc đẩy việc ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong và ngoài nước.

Còn tại Trường Cao đẳng Công nghệ, ĐH Đà Nẵng, năm học 2015-2016, cán bộ và giảng viên nhà trường thực hiện được 45.915 giờ NCKH, vượt 9.285 giờ so với định mức. Số lượng các sản phẩm công bố khoa học của nhà trường, đặc biệt là công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế như SCI, SCIE, Scopus cũng như số lượng đề tài khoa học-công nghệ đều tăng đáng kể. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động NCKH - chuyển giao công nghệ, năm học đến, nhà trường ưu tiên nguồn lực, xây dựng đề án mua thiết bị thành lập 2 phòng thí nghiệm cơ - điện và hóa - xây dựng.

Năm học vừa qua, số lượng đề tài khoa học và công nghệ của giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cũng vượt chỉ tiêu. Thời gian qua, nhà trường luôn là cơ quan khoa học được các địa phương đặt hàng nghiên cứu những đề tài mang tính thực tiễn.

Đơn cử như đề tài “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” của giảng viên Lê Thị Minh Hằng được UBND thành phố Đà Nẵng đặt hàng để triển khai nhân rộng trên toàn thành phố nhằm giúp người dân có bữa ăn bảo đảm vệ sinh với giá cả phải chăng.

Nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế do trường tổ chức thu hút sự quan tâm của giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp khu vực, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Giảng viên của trường đã triển khai thực hiện 37 đề tài với tổng kinh phí 4,6 tỷ đồng. Mức độ hoàn thành định mức giờ NCKH của đội ngũ giảng viên luôn bảo đảm trên 40%.

Tăng nguồn thu, tạo thương hiệu

TS. Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ, nhà trường ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư không ngừng cải thiện các điều kiện chất lượng thông qua thực hiện các dự án lớn:

Dự án đào tạo nhân lực nhà máy điện hạt nhân, Dự án phòng thí nghiệm lọc hóa dầu, Dự án an toàn an ninh thông tin… Từ năm 2012 đến nay, các nguồn thu từ chuyển giao công nghệ của nhà trường tăng đều qua các năm và nếu như năm 2012 nguồn thu này chỉ khoảng hơn 12 tỷ đồng thì hiện nay đã hơn 20 tỷ đồng. Không ít sản phẩm công nghệ của nhà trường tạo được “thương hiệu” như: lò hơi tầng sôi, hệ thống dây chuyền cơ khí và tự động hóa, gạch tự chèn mác cao…

“NCKH không chỉ làm tăng nguồn thu mà còn tạo được thương hiệu nhà trường. Do đó, nhà trường luôn có chính sách tuyên dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực này”, TS. Lê Kim Hùng nói.

Đối với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) mối quan hệ hợp tác trong NCKH và chuyển giao công nghệ của nhà trường với các sở, ban, ngành, địa phương được đánh giá là khá tốt và ổn định. Trung bình mỗi năm, nhà trường đều trúng thầu từ các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Theo PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế, hoạt động NCKH thực sự đã nâng tầm uy tín và chất lượng của trường trong các trường ĐH khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, hằng năm, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ của nhà trường khoảng hơn 10 tỷ đồng.

“NCKH được xem là một trong những hoạt động góp phần tăng nguồn thu cho nhà trường, nhất là khi nhà trường vừa chuyển sang tự chủ tài chính, không còn được nhận nguồn kinh phí bao cấp từ Nhà nước”, PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.