.

Tự chủ đại học để nâng cao chất lượng đào tạo

.

Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là trường ĐH công lập đầu tiên tại Đà Nẵng và là 1 trong số ít các trường ĐH trên cả nước mạnh dạn thực hiện chuyển đổi theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh (ảnh) , Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, thực tế tự chủ không phải chỉ là tăng học phí mà là tăng năng lực quản trị để tăng chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm và khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

* Trường ĐH kinh tế vừa được Chính phủ đồng ý cho đổi mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. ĐH Đà Nẵng đã và sẽ hỗ trợ Trường ĐH Kinh tế như thế nào trong quá trình thực hiện đổi mới này, thưa ông?

- Chủ trương tự chủ ĐH và phát triển mô hình quản trị ĐH tiên tiến là những định hướng chiến lược của Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng. Việc hỗ trợ được ĐH Đà Nẵng triển khai trước khi đề án tự chủ thông qua trên cơ sở thay đổi, điều chỉnh quy chế hoạt động của ĐH Đà Nẵng theo hướng nâng cao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất.

Sắp đến, ĐH Đà Nẵng tập trung hoàn thiện các quy chế hoạt động trong điều kiện mới, nhất là quy chế chi tiêu nội bộ. ĐH Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác giám sát những nội dung được giao quyền cho Trường ĐH Kinh tế nhằm bảo đảm mọi hoạt động của trường tuân thủ theo quy định của pháp luật.

* Thực tế hiện nay, các trường thực hiện tự chủ, nguồn kinh phí hỗ trợ 20 tỷ đồng/năm bị cắt nhưng vẫn bị khống chế mức thu học phí nên gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dù được giao quyền tự chủ nhưng các trường lại bị ràng buộc bởi các cơ chế, luật định chồng chéo. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiện tại, các trường ĐH tự chủ đều bị khống chế mức thu học phí theo nội dung đề án của từng trường và theo Quyết định 86/CP về quản lý trần học phí của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020. Do vậy, đây không chỉ là thử thách của Trường ĐH Kinh tế mà còn là thử thách của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH.

Điều này cũng lý giải tại sao nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn ngần ngại tiến tới tự chủ ĐH. Tuy nhiên, thử thách luôn gắn liền với những cơ hội để mỗi trường, trong đó có Trường ĐH Kinh tế phải quản trị tốt hơn các nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo tôi, Nhà nước nên có đầu tư về cơ sở vật chất đối với dự án trọng điểm đầu tư quốc gia nếu các trường tự chủ có đóng góp quan trọng về mặt khoa học, công nghệ trong quá trình hội nhập quốc tế. Cơ chế và luật định hiện hành chồng chéo cần phải được xem xét lại để hỗ trợ các trường trong điều kiện tự chủ.

Do đề án thí điểm thực hiện theo tinh thần Nghị định 77/CP của Chính phủ có giá trị đến hết năm 2017, nên hy vọng Chính phủ sẽ có những tổng kết vào cuối năm để đánh giá mặt được và chưa được nhằm tháo gỡ mọi khó khăn trong tiến trình tự chủ.

* Điều sinh viên quan tâm hiện nay là mức học phí tăng nhưng chất lượng đào tạo có tăng và sinh viên có được học trong điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại hơn?

- Đây là một trong những cam kết Trường ĐH Kinh tế đề cập trong đề án tự chủ. Trong những năm vừa qua, Trường ĐH Kinh tế đã có những bước đi thận trọng để có thể triển khai tự chủ ĐH. Hơn 90% phòng học của trường được nâng cấp, cải tạo bảo đảm chất lượng học tập như các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Hệ thống thư viện được đầu tư tương xứng để các em có nguồn tài liệu tham khảo (kể cả bản cứng và tài liệu điện tử). Hiện tại, 30% đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Kinh tế là tiến sĩ, hơn 95% có trình độ thạc sĩ và đa phần được đào tạo ở nước ngoài.

Chúng tôi tin rằng, đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất lượng cao sẽ cung cấp kiến thức kinh tế và quản trị hiện đại cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập. Trường ĐH Kinh tế trong 2 năm qua cũng triển khai nhiều dự án hợp tác với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực.

Trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng độc lập đánh giá đạt chuẩn chất lượng, đồng thời đang tiến hành đăng ký kiểm định 2 chương trình theo chuẩn bảo đảm chất lượng chung của khu vực ASEAN (AUN-QA).

Đây là những bước đi để người học yên tâm về chất lượng đào tạo trong điều kiện tự chủ. Thực tế tự chủ không phải chỉ là tăng học phí mà là tăng năng lực quản trị để tăng chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm và khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên.

* Việc thiếu minh bạch khiến một số trường ĐH ở các tỉnh gặp khó trong quá trình tự chủ. Vậy các trường thuộc ĐH Đà Nẵng đã và sẽ thực hiện tự chủ làm như thế nào để bảo đảm tính minh bạch? ĐH Đà Nẵng giám sát việc này ra sao, thưa ông?

- Đây đúng là vấn đề quan trọng đối với các trường khi thực hiện tự chủ. Hiện tại, cổng thông tin điện tử của các trường thành viên của chúng tôi đều có nội dung ba công khai. Trường ĐH Kinh tế đã được tự chủ, yêu cầu về minh bạch cần làm thường xuyên hơn, nội dung đa chiều hơn.

Định kỳ Hiệu trưởng nhà trường phải báo cáo với Hội đồng trường các kết quả thực hiện và phải thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường. Các trường tự chủ phải báo cáo với ĐH Đà Nẵng về công tác tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ và tài chính để ĐH Đà Nẵng có cơ sở giám sát.

* Thưa ông, tự chủ là con đường tất yếu để tạo đột phá trong việc nâng chất lượng giáo dục ĐH. Các trường ĐH tiếp theo tại Đà Nẵng có sự chuẩn bị như thế nào, xây dưng thương hiệu ra sao để thực hiện tự chủ?

- Hiện tại, các trường đều quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ để bảo đảm chất lượng nguồn lực trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chương trình của nhiều trường, đặc biệt là Trường ĐH Bách khoa cũng đã được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế.

Công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng được tất cả các trường đặc biệt quan tâm. Nhiều trường luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp và địa phương nhằm đưa giảng dạy và nghiên cứu luôn gắn với thực tiễn. Về mặt thể chế, tất cả các trường dần chủ động hơn với quy chế hoạt động của ĐH Đà Nẵng. Đây là những bước đi ban đầu để mỗi trường có thể từng bước tự chủ trong thời gian đến.

* Xin cảm ơn ông.

* Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Thay đổi từ quản lý sang quản trị

Hiện nay, chúng tôi thí điểm cho một số trường đại học (ĐH) tự chủ nhưng tự chủ phải có lộ trình. Điều quan trọng là phải thay đổi từ quản lý sang quản trị, tạo sự đột phá mới. Cần phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và những người làm công tác quản lý.

Hiệu trưởng các trường ĐH không nhất thiết là giáo sư hay tiến sĩ mà phải là những người quản lý giỏi. Đổi mới cũng đều nhằm làm sao để sinh viên ra trường được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể làm việc ngay hoặc tự khởi nghiệp.

* PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội): Không nên giới hạn quyền tự chủ của các trường ĐH

Mô hình tự chủ hiện nay làm nảy sinh nhiều vấn đề. Hội đồng trường chưa phát huy được vai trò trong tự chủ ĐH do chưa có quy định rõ ràng về quyền gắn liền với trách nhiệm của Hội đồng trường. Ngoài ra, các trường mới chỉ cung cấp thông tin cho người học theo 3 công khai chứ chưa theo các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục ĐH…

Theo tôi, không nên giới hạn quyền tự chủ của các trường ĐH, thay vào đó thực hiện quản lý và giám sát bằng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng. Thực hiện chế độ công khai các tiêu chí nhằm bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra giáo dục ĐH của các cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài ra, các văn bản quy định của Nhà nước cần được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; đồng thời đưa ra quy định khác nhau theo mức độ tự chủ của các trường ĐH tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả tự chủ.

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.