.

Trường Đại học Kinh tế Đà nẵng: Thực hiện tự chủ tài chính

.

Trường Đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Đà Nẵng là trường ĐH đầu tiên tại Đà Nẵng và là một trong 15 trường ĐH trên cả nước vừa mạnh dạn chuyển đổi theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Việc tự chủ  sẽ giúp Trường Đại học Kinh tế chủ động trong nhiều hoạt động để phát triển mạnh mẽ hơn.
Việc tự chủ sẽ giúp Trường Đại học Kinh tế chủ động trong nhiều hoạt động để phát triển mạnh mẽ hơn.

Học phí sẽ tăng

Việc đổi mới cơ chế hoạt động tại Trường ĐH Kinh tế hiện nay được Chính phủ phê duyệt với 3 nội dung: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu khoa học, đổi mới tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính.

Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là liệu khi thực hiện tự chủ tài chính, đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ không còn được nhận hỗ trợ từ Nhà nước 20 tỷ đồng/năm thì mức học phí sẽ tăng như thế nào. Bên cạnh đó, những sinh viên (SV) thuộc diện gia đình khó khăn, hộ nghèo liệu có thể đủ điều kiện theo học trường này hay không.

Ông Trần Đình Khôi Nguyên, Hiệu phó nhà trường cho biết, nhà trường sẽ thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định của Chính phủ. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ ĐH, chính quy năm học 2017-2018 là 13,5 triệu đồng/SV/năm, năm học 2018-2019 là 14,5 triệu đồng/SV/năm, năm học 2019-2020 là 15,5 triệu đồng/SV/năm.

Tức nếu mức học phí hiện nay là 670.000 đồng/SV/tháng thì khi trường thực hiện tự chủ sẽ thu khoảng hơn 1 triệu đồng/SV/tháng. “Tuy nhiên, với mức học phí đó, dịch vụ đi kèm sẽ tốt hơn nhiều như cơ sở vật chất, trang thiết bị với những phòng học đạt chuẩn, đồng thời sĩ số chỉ khoảng 40 SV/lớp...

Bên cạnh đó, việc học Tiếng Anh được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các chương trình ngoại khóa cũng được tăng cường, mở rộng để rèn luyện kỹ năng cho SV. Ngoài ra, nhà trường tăng cường liên kết, ký kết dài hạn với các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty kiểm toán… để tạo cơ hội việc làm cho SV ngay từ năm thứ ba, tư”, ông  Trần Đình Khôi Nguyên cho biết.

Theo ông Nguyên, trong thời gian qua, thực tế kinh phí đầu tư cho đào tạo từ ngân sách Nhà nước và học phí trên đầu SV không theo kịp chi phí hoạt động của trường ĐH. Do vậy, các trường bắt buộc phải cắt giảm kinh phí dành cho bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo (đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, nâng cấp phòng học…).

Không chỉ vậy, đa số trường công lập còn gặp khó trong việc tuyển dụng cán bộ, giảng viên giỏi, bởi thu nhập của cán bộ, giảng viên còn thấp so với trình độ và mặt bằng chung của xã hội. Trong khi đó, áp lực đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục ngày càng tăng từ việc đầu tư đổi mới cơ sở vật chất đến thực hiện kiểm định trường, kiểm định chương trình…

Trước thông tin mức học phí sẽ tăng hơn sau khi trường hoạt động tự chủ,  em Phạm Thị Thùy Phương, SV năm thứ ba, khoa Kinh tế thổ lộ: “Nghe tin tăng học phí vào năm tới tụi em cũng lo. Tuy nhiên, nếu tăng thêm vài trăm ngàn đồng nhưng được học tiếng Anh nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động hơn và có cơ hội việc làm tốt thì cũng chấp nhận được.

Phương cho biết thêm, hiện nay nhà trường còn có chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như: hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữ mức học phí của trường với mức học phí mà SV thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo phải nộp theo quy định của Nhà nước sau khi được miễn giảm.

Làm sao để tự chủ thật sự?

Tự chủ ĐH là việc quá quen thuộc đối với các nước, nhưng đối với Việt Nam vẫn chưa được thực hiện nhiều. Lâu nay việc quản lý qua nhiều cấp đã “trói buộc” các cơ sở giáo dục ĐH, khiến những cơ sở này chưa phát huy hết năng lực.

Chẳng hạn, trường muốn mở một chương trình mới phải mất thời gian rất lâu xin phép cấp trên. Còn nay, khi đã tự chủ, các trường được toàn quyền quyết định đóng, mở ngành hoặc điều chỉnh thích ứng theo nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, thực tế tại một số trường đi trước, việc tự chủ vẫn còn hình thức và chịu nhiều ràng buộc nên chưa thật sự bứt phá để phát triển. Ông Trần Đình Khôi Nguyên cho biết, hiện nay trường đẩy mạnh kiện toàn về các thể chế trong trường, tức là những quy chế hoạt động phải thay đổi như: quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế đánh giá nhân viên…

Chẳng hạn như lâu nay, việc khen thưởng dường như cào bằng thì nay phải đánh giá theo những đóng góp thực sự. Đồng thời mọi việc làm đều phải dân chủ để mọi người được biết, cùng bàn bạc và minh bạch thông tin qua trang thông tin điện tử của trường.

Việc thay đổi về đề án nhân sự định biên theo hướng tinh gọn cũng là mục tiêu chính và quản lý điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin cũng được nhà trường thực hiện nhiều hơn nữa. Trường còn thực hiện giảm đội ngũ phục vụ, tăng cường đội ngũ nghiên cứu viên, nhà khoa học để thu hút nguồn đầu tư dự án từ nước ngoài.

Theo ông Nguyên, khi bị cắt đi 20 tỷ mỗi năm từ ngân sách, trường phải đẩy mạnh nhiều hơn các hoạt động nghiên cứu để thực hiện được các dự án từ nguồn tiền trong và ngoài nước. Nhà trường cũng sẽ mạnh dạn vay vốn cho những dự định tiếp theo.

Dự kiến, lộ trình tự chủ ĐH của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai năm 2017 gồm: Trường ĐH Kinh tế, sau đó là Trường ĐH Bách khoa và tiếp theo là Trường ĐH Ngoại ngữ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.