.

Năm học 2016 -2017: Đà Nẵng có nhiều đổi mới

.

Trong năm học 2016-2017, Đà Nẵng sẽ thực hiện nhiều đổi mới như: tập trung giảm tải chương trình học; triển khai thí điểm việc dạy và học thể dục theo phân môn tự chọn; tổ chức đồng loạt ngày khai giảng với hình thức gọn, nhẹ…

Học sinh Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng trong giờ chào cờ.
Học sinh Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng trong giờ chào cờ.

Biên soạn lại chương trình để giảm tải

Theo đánh giá chung, chương trình học của học sinh hiện hành còn nặng về kiến thức và quá nhiều về số môn học. “Hai vợ chồng thay nhau chở con gái đang học lớp 8 đi học thêm đủ các môn. Cũng bởi chương trình nặng, bài vở nhiều, nếu chỉ học trên lớp sẽ không đủ và khó có thể hiểu bài hết”, chị Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, ở quận Hải Châu) thổ lộ.

Thêm một thực tế nữa là hầu hết các bé chuẩn bị vào lớp 1 ở tất cả các trường trên địa bàn thành phố đều phải đến các “lò” luyện viết chữ, làm toán. “Vào lớp 1, đứa nào cũng phải biết chữ, biết làm toán nên không cho con học sao được. Con mình không học thì lại không theo kịp chương trình, không kịp các bạn”, anh Trương Đắc Định (36 tuổi, quận Hải Châu), có con gái vào lớp 1 Trường tiểu học Trần Thị Lý nói.

Trong khi chờ đợi những đổi thay từ chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018, năm học mới này, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu giáo viên các cấp tập trung thực hiện biên soạn lại chương trình, điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học phù hợp, vừa sức đối với học sinh. “Chúng tôi đã quán triệt đến các trường tuyệt đối không dạy trước chương trình và không ra thêm những bài tập khó; đồng thời chia thời khóa biểu hợp lý để số môn học/ngày là ít nhất.

Ngoài ra, nên áp dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học để các môn như: giáo dục công dân, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, học sinh có thể tiếp thu và vận dụng bài học ngay tại lớp”, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT nói. Ông Vĩnh cho biết thêm, trong năm học mới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định về dạy thêm, học thêm nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức dạy thêm văn hóa, dạy trước chương trình đối với học sinh mầm non, tiểu học.

Ngoài ra, nhằm tạo tính chủ động cho giáo viên và học sinh, trước ngày khai giảng, đơn vị sẽ công bố các quy chế, quy định về tuyển sinh các lớp đầu cấp 1-6-10, về thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12, thi nghề phổ thông, ban hành khung kế hoạch công tác trọng tâm năm học từ ngày 1-9-2016  đến 31-8-2017 ở các bậc học.

Thí điểm dạy học thể dục theo phân môn tự chọn

Lâu nay, ở nhiều trường tại Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước nói chung, chương trình học thể dục vẫn là nỗi lo lắng của nhiều học sinh. Với quá nhiều phân môn chạy ngắn, chạy dài, chạy tiếp sức, nhảy cao, nhảy xa, đá cầu, cầu lông khiến học sinh khó có thể thuần thục về mặt kỹ năng ở một bộ môn chuyên sâu nhất định.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh: “Thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp đặc thù của địa phương”.

Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức thí điểm tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Ngô Quyền dưới hình thức học sinh được tự chọn một môn mình yêu thích và học xuyên suốt cả năm học. “Chọn bơi lội là môn học thể dục tự chọn khiến con gái mình rất thích thú thay vì phải học một môn bắt buộc khác mà cháu không thích và không phù hợp với thể trạng, sức khỏe”, anh Lê Công Nghiêm (47 tuổi, làm công nhân), có con gái học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói.

Trong khi đó, cô Lê Thị Châu, Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Việc được chọn môn học thể dục đã đáp ứng sở thích, nguyện vọng, tố chất cơ thể của từng học sinh, tạo không khí học tập phấn khởi, nâng cao thành tích thể thao ở trường”.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho hay, trong năm học 2016-2017, thành phố tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình học thể dục tự chọn trên cơ sở đăng ký tự nguyện của các trường. Đơn vị sẽ phê duyệt chương trình, hướng dẫn cách tổ chức, phân công giáo viên dạy, đề xuất UBND thành phố đầu tư, bổ sung những hạng mục lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các trường thông báo kế hoạch dạy học cho phụ huynh, tổ chức tư vấn cho học sinh chọn môn phù hợp.

Sở GD&ĐT cho biết, tiếp tục chỉ đạo các trường học thực hiện việc mở cổng trường, thư viện, sân chơi, bãi tập; đồng thời, phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính giáo dục cao để thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia, từ đó, góp phần giúp các em tránh xa những trò chơi không lành mạnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.