.

Hậu quả khủng khiếp của đại học "thầy đọc trò chép"

.

Con số 225.000 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp khiến nhiều người giật mình.

Hàng trăm cử nhân nộp hồ sơ xin việc vào các công ty Đức tại ngày hội việc làm Đức 2015 ở TP.HCM
Hàng trăm cử nhân nộp hồ sơ xin việc vào các công ty Đức tại ngày hội việc làm Đức 2015 ở TP.HCM

Thế nhưng trong mắt các doanh nghiệp, đây là hậu quả tất yếu từ sai lầm của người học và của giáo dục đại học.

Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến của các doanh nghiệp dưới đây.

* Ông Cao Tiến Vị 
(tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn):

Hậu quả của nền
 giáo dục “thầy đọc, trò chép”

Xu thế trong các ngành sản xuất công nghiệp hiện nay là tự động hóa ngày một nhiều để giảm thiểu nhân lực thừa và để vận hành được những cỗ máy tự động này, yếu tố con người lại vô cùng quan trọng.

Nhưng với ngành giấy, trước đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hoặc ĐH Bách khoa có mở ngành giấy xenlulo, nhưng 6-7 năm nay đã không còn. Vì vậy, muốn tuyển lao động cho ngành giấy, chúng tôi phải tuyển người học... ngành hóa, sau đó tự về đào tạo lại theo cách người cũ dạy cho người mới về kỹ thuật thực hành.

Còn kiến thức ngành thì chúng tôi mời người có phương pháp sư phạm về giảng dạy theo tài liệu do chính chúng tôi biên soạn cho các em. Nhìn vào cách tuyển dụng này, rõ ràng chúng tôi không những thiếu những kỹ sư chuyên ngành mà còn thiếu cả những công nhân, kỹ thuật đơn thuần vì không có trường đào tạo nghề cho các em.

Còn lý do dẫn đến con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp khiến nhiều người giật mình, theo tôi là do chúng ta đang có một nền giáo dục đại học “thầy đọc, trò chép”.

Hậu quả của kiểu giáo dục đại học này thật khủng khiếp: đã là cử nhân, thạc sĩ nhưng các bạn vẫn rất thiếu tự tin, không có sự sáng tạo, tư duy luôn bị động khi giải quyết và xử lý vấn đề.

Thực tế cho thấy, nhiều nơi giảng dạy không đủ phương tiện, thiết bị cho sinh viên tiếp xúc, tìm hiểu nên sự trải nghiệm thực tế về môn các em theo học gần như chỉ là lý thuyết suông.

Điều này dẫn đến việc sinh viên chưa có được cơ hội hiểu cũng như tiếp cận được mô hình hoạt động, sản xuất thực thụ của một doanh nghiệp là như thế nào. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân không nhỏ là trong quá trình sinh viên đi thực tập thì việc thực hành đúng nghĩa có ích cho quá trình làm việc sau này chỉ mang tính hình thức.

Nhiều sinh viên có tâm lý miễn sao có đủ điểm để hoàn thành mục tiêu thực tập. Tâm lý như vậy, tôi cho rằng là do các bạn đã chọn sai ngành, nghề học ngay từ đầu...

* Ông Phạm Phú Ngọc Trai 
(Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu - GIBC):

Kỹ năng quan trọng hơn kiến thức

Chỉ có khoảng 25-30% người đi xin việc làm có kỹ năng “mềm” đáp ứng ngay công việc của nhà tuyển dụng, trong khi hơn 70% gần như phải đào tạo lại.

Đó là con số thống kê chưa chính thức nhưng là phản hồi của hầu hết doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc và có thể con số 20% cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp rơi vào nhóm này.

Có một thực tế trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, đa số người được phỏng vấn đều khoe “tôi biết cái này, biết cái kia hay có bằng cấp này, bằng cấp kia...” nhưng điều cần nhất là “tôi sẽ áp dụng nó như thế nào để đóng góp cho doanh nghiệp” thì không ai nói được.

Tôi đánh giá rất cao những bạn trẻ dấn thân vào cộng đồng, tham gia công tác xã hội ngay khi còn trên ghế nhà trường vì việc này giúp người trẻ biết cách xử lý các tình huống, giải quyết vấn đề nảy sinh và phát triển được kỹ năng làm việc theo nhóm.

Đó là những tố chất quan trọng để phát triển một lao động giỏi. Người lao động đừng bao giờ hỏi mình có bao nhiêu kiến thức mà cần nhận biết mình đã chuyển những kiến thức đó thành giá trị lao động như thế nào.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp thường hay kêu thiếu lao động lành nghề, chứ họ ít đề cập thiếu lao động có kiến thức. Hầu hết doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng lao động đều đánh giá vào các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tự chủ hay làm việc theo nhóm...

Kiến thức hay bằng cấp sẽ không quyết định được chất lượng người lao động vì kiến thức có thể cải thiện và bổ sung trong quá trình thực hành. Ngay trong công ty tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn luân chuyển nhân viên qua các mảng khác nhau để tập cho họ tiếp xúc với các lĩnh vực mới, làm quen với kỹ năng xử lý tình huống.

Muốn thích nghi nhanh, người lao động phải hoàn thiện mình, có kiến thức thôi không đủ mà cần thể hiện thành năng suất nơi mình làm việc.

Chúng tôi cần thợ kỹ thuật

Công ty sản xuất của chúng tôi đang trên đà phát triển ổn định nên lúc nào cũng có nhu cầu nhân lực tốt, đặc biệt là nhân viên kỹ thuật.

Suốt một năm qua, tôi thường xuyên đăng tin trên mạng (chúng tôi hiện trả tiền cho hai trang web tuyển dụng hàng đầu để đạt hiệu quả cao hơn), nhờ người quen, đến các ngày hội việc làm, liên hệ với các trường kỹ thuật từ Cao Thắng, Tôn Đức Thắng, Công Thương, Phú Lâm đến Lilama Long Thành..., thậm chí tôi còn đến tận nơi để gặp các trường nhờ dán thông báo tuyển sinh với mức thu nhập thu hút.

Thế nhưng, phần lớn các trường đều trả lời là “các em vừa được các công ty khác lấy hết rồi”. Mặc dù lịch làm việc ở công ty dày đặc, tôi vẫn phải ghi chú trong nhật ký để đến ngày nào gọi lại cho trường với hi vọng tìm được vài em trong “mẻ” mới.

Nhưng kết quả thật đáng buồn, rất ít hồ sơ kỹ thuật có chất lượng nộp ngược vào công ty tôi. Và đến khi phỏng vấn được rồi thì kết quả thử tay nghề của các em tại xưởng lại không được tốt lắm, hoặc khi chính thức vào làm thì các em vẫn chưa phát huy những kiến thức đã được học.

Điều đáng suy nghĩ là cùng thời gian đó, chúng tôi cũng đăng tin trên mạng tuyển các vị trí văn phòng khác như kế toán, bán hàng, nhân sự và trung bình mỗi tin đăng tuyển chúng tôi có được ít nhất 200 hồ sơ nộp vào! Đặc biệt là vị trí kế toán, chỉ năm ngày sau khi đăng tin tuyển dụng, chúng tôi đã có trên 400 hồ sơ.

Sau khi lọc lại và phỏng vấn qua điện thoại, chúng tôi cũng chỉ lựa được chừng 10 em để tham gia phỏng vấn trực tiếp, cuối cùng cũng chỉ nhận một em xuất sắc và phù hợp nhất.

Trong những buổi phỏng vấn đó, vài em rất cần công việc và sẵn sàng làm bất cứ việc gì nên dẫu không còn nhu cầu tuyển dụng sau khi đã chọn được ứng viên thích hợp, chúng tôi cũng đành phải nhận vài em khác vào làm công nhân lao động.

Vì vậy, hiện tại trong nhà máy chúng tôi có nhiều em tốt nghiệp đại học và cao đẳng kế toán, tài chính, nhân sự rất vui vẻ làm công nhân.

Tôi có nói chuyện với đối tác từ các công ty sản xuất, xây dựng khác về việc này và phần lớn trong số họ đều gặp phải vấn đề tương tự. Họ là những công ty rất cần thợ kỹ thuật, người có kỹ năng chuyên sâu hay kiến thức căn bản về kỹ thuật, và họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong 
tuyển dụng.

Thị trường nhân lực Việt Nam đúng là quá thừa nhưng vẫn quá thiếu.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.