.

Ngôi trường ân tình

.

Giữa lòng thành phố nhộn nhịp, có một ngôi trường mà ở đó, học sinh ra vào phòng thầy hiệu trưởng như ở nhà, thoải mái tỉ tê chuyện trò với thầy và mỗi học sinh đều có chén, đũa, ly uống nước... riêng để giữ vệ sinh. Điều đặc biệt đó đang diễn ra hằng ngày ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng.  

Song song với nhiệm vụ dạy chữ, thầy cô Trường tiểu học Trần Văn Ơn luôn hướng học sinh lòng trắc ẩn, biết chia sẻ khó khăn với bạn bè. TRONG ẢNH: Cô trò Trường tiểu học Trần Văn Ơn cùng quyên góp ủng hộ vùng khó khăn và học sinh nghèo.
Song song với nhiệm vụ dạy chữ, thầy cô Trường tiểu học Trần Văn Ơn luôn hướng học sinh lòng trắc ẩn, biết chia sẻ khó khăn với bạn bè. TRONG ẢNH: Cô trò Trường tiểu học Trần Văn Ơn cùng quyên góp ủng hộ vùng khó khăn và học sinh nghèo.

Cánh cửa không khép

Tách biệt hẳn với sự ồn ào của con đường Hoàng Diệu, bước vào Trường tiểu học Trần Văn Ơn, bên cạnh sự yên bình vốn có như bao ngôi trường khác, có lẽ điều làm người ta ngạc nhiên là cả hai căn phòng hiệu trưởng, hiệu phó ở tầng trệt chẳng khi nào khép cửa, ngoại trừ hết giờ làm việc. “Ở ngay khu vực này, các thầy cô mới có thể quan sát, nắm bắt mọi hoạt động của học sinh, giáo viên cũng như người ra vào trường. Còn gì vui hơn khi thấy học sinh vui chơi, đùa nghịch, thoải mái kể cho thầy cô nghe mọi chuyện, từ chuyện bạn bè cho đến chuyện gia đình”, thầy Hiệu trưởng Đặng Nhứt bộc bạch.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và thầy Hiệu trưởng liên tục bị ngắt quãng, bởi đang giờ ra chơi nên chốc chốc lại có cô cậu học trò ùa vào: “Thầy ơi, con nhặt được hộp bút của bạn nào bỏ quên”, “Thầy ơi, mấy bạn lớp 3/4 với 3/5 gây nhau”, “Thầy ơi, thầy có bánh không?”…

Những lúc như vậy, người thầy lại hướng ánh nhìn trìu mến về phía học trò rồi nhẹ nhàng bảo: “Thầy đang có khách. Các con qua phòng cô Tú Anh (Tổng phụ trách Đội - PV) đi”. Rồi có hai cô bé lấm lét nhìn vào phòng; như hiểu ý, thầy kéo hai em ra, nhét vào tay các em ít tiền để mua quà vặt. Nhìn bước chân các em chạy ùa vào phòng thầy Hiệu trưởng không chút do dự… mới cảm hết được nghĩa tình thầy trò sâu nặng ở ngôi trường này.

Chính sự gần gũi, thân quen này nên bất kể khi nào nhặt được của rơi, thay vì tìm đến phòng công tác Đội thì các em lại mang đến phòng thầy Hiệu trưởng. Hằng ngày, vào giờ ra chơi, giờ tan trường, các em lại tìm đến phòng tỉ tê với thầy chuyện trưa nay ăn gì, hôm nay cô giáo dạy ra sao và cả chuyện bố mẹ hay cãi vã khiến các em buồn. Có hôm, thấy váy một học sinh bị ướt, thầy Nhứt gọi vào hỏi chuyện thì mới hay do bát đựng canh bị thủng một lỗ làm nước canh nhỏ xuống nhưng các cô phụ trách không biết. Ngay lập tức, một chiếc bát mới đã được thay thế.

Đến nhà ăn của nhà trường có thể dễ dàng thấy hàng ngàn cái chén, đũa, thìa, ly uống nước được xếp ngăn nắp và có số thứ tự tương ứng với từng học sinh. Khăn mặt và bàn chải đánh răng cũng được nhà trường làm tương tự.

“Cái lớn nhất là làm được gì cho học sinh”

Tháng 6 hằng năm, khi nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ lớp một cũng là lúc công tác phân loại, khảo sát học sinh nghèo được tiến hành. Công tác này được nhà trường làm cẩn thận 3 công đoạn: lấy danh sách hộ nghèo từ UBND phường; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kiểm tra; vào năm học, các giáo viên lại thăm hỏi một lần nữa để tránh bỏ sót.

Kết quả, tất cả học sinh thuộc diện nghèo được chia đều cho các lớp để “các thầy cô giáo cùng chia sẻ trách nhiệm, dành sự quan tâm, thương yêu đồng đều các em, tránh để các em mặc cảm, tự ti với bè bạn”, như lời thầy Đặng Nhứt nói. Hiện tại, nhà trường có 125 học sinh nghèo/1.942 học sinh và mỗi năm đều nhận được từ 4-5 đợt quà, học bổng, tùy hoàn cảnh.

Gần đây nhất, nhờ sự chung sức của thầy cô, học sinh và các cơ quan thông tấn báo chí, nhà trường đã huy động được gần 300 triệu đồng giúp đỡ em Nguyễn Thị Phương Nhi, học sinh lớp 2 bị dị tật hậu môn. Mồ côi mẹ khi mới lọt lòng, ba bỏ đi, những ngày này, Nhi đang cùng người cô ruột chạy chữa ở thành phố Hồ Chí Minh. Không dừng lại ở việc vận động kinh phí hỗ trợ chữa bệnh, lãnh đạo nhà trường còn đến thăm hỏi, động viên gia đình và cử một giáo viên thường xuyên lui tới thăm nom, nắm bắt tình hình sức khỏe của em. 

Cô Lê Triệu Tú Anh, Tổng phụ trách Đội nhà trường cho biết: “Mỗi khi nhà trường vận động quyên góp thì các thầy cô đều nhiệt tình tham gia. Nhà trường đã đặt may áo ấm cho học sinh nghèo và tuần sau sẽ tổ chức trao cho các em”.

“Tôi luôn nói vui với các giáo viên rằng, thay vì các thầy cô đi chùa thì cứ xem như ở trường có một ngôi chùa, mỗi người góp một ít, tùy lòng hảo tâm để lo cho các em. Cái lớn nhất là làm được gì cho học sinh”, thầy Đặng Nhứt nói.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.