.

Ngôi trường của học trò nghèo

.

Trường tiểu học Hồng Quang nằm gần khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Hầu hết học sinh là con em lao động nghèo, những gia đình làm nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn… nên nhiều em đến trường trong điều kiện khó khăn. Chưa kể một số gia đình quá khó khăn đã phó mặc việc học của các em cho nhà trường.

Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường tiểu học Hồng Quang luôn đạt chỉ tiêu được giao. TRONG ẢNH: Học sinh nhà trường trong giờ ra chơi.
Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường tiểu học Hồng Quang luôn đạt chỉ tiêu được giao. TRONG ẢNH: Học sinh nhà trường trong giờ ra chơi.

Không chỉ dạy học, các thầy cô giáo còn lo vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… để giúp các em có điều kiện đến trường.

Dang tay giúp học sinh nghèo

Cô Nguyễn Thị Thoan, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hồng Quang cho hay, ngoài công việc chuyên môn, cô còn kiêm việc thống kê, nắm danh sách học sinh nghèo, để báo cáo Ban giám hiệu có kế hoạch hỗ trợ. “Danh sách học sinh thuộc diện nghèo, khó khăn nhiều đến chóng mặt. Nếu không giúp đỡ kịp thời, các em khó yên tâm đến lớp!”, cô Thoan nói.

Cụ thể, những ngày đầu năm học 2013-2014, nhà trường phát hiện em P.Đ.N.H, học sinh lớp 5/2, nhà ở khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) thường nghỉ học và có nguy cơ nghỉ hẳn. Ngay lập tức, Ban giám hiệu cử cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 cùng Tổng phụ trách Đội đến gia đình tìm hiểu. Qua đó, các cô biết hoàn cảnh em H. thật éo le.

Bố mẹ ly hôn, H. ở với bố, còn chị gái ở với mẹ. Bố H. suốt ngày say xỉn, không quan tâm đến em. Ngày đến trường, em thiếu áo quần, sách vở…, nên chán nản, định bỏ học. Sau khi biết nguyên nhân, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hồng Quang hỗ trợ áo quần, sách vở, cũng như lo tiền ăn ở bán trú cho em H. trong suốt năm học. Và đáng mừng, từ ngày nhận được sự hỗ trợ, H. chăm ngoan, học tốt. Năm học 2014-2015 này, H. đã lên lớp 6.

Một trường hợp điển hình khác là em N.V.T, cũng trú khối phố Đà Sơn, học sinh lớp 4/1. T. không có bố, còn mẹ bị bệnh tâm thần suốt ngày lang thang ngoài đường. Hằng ngày hai mẹ con sống nhờ nhà người cậu của T. Do điều kiện kinh tế nhà cậu cũng khó khăn nên T. đến trường mà thiếu thốn nhiều thứ. Suốt mấy năm qua, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hồng Quang trao học bổng cũng như hỗ trợ áo quần, sách vở để em yên tâm đến lớp.

Vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm

Theo bà Lê Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Quang, những năm trước đây, tình hình tuyển sinh hằng năm của nhà trường rất khó khăn. Mỗi năm trường chỉ tuyển được 2 lớp, mỗi lớp chỉ 25 học sinh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trường được giao trung bình 160 học sinh. Nguyên nhân do phụ huynh chuyển con em mình đến học ở các trường lân cận.

Trước thực tế trên, ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học để thu hút học sinh, từ năm học 2010-2011, trường tổ chức bán trú tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ăn uống, nghỉ ngơi tại trường, đồng thời phụ huynh cũng đỡ phải đưa đón con em nhiều lần trong ngày. Số học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhiều, Ban giám hiệu nhà trường cử cán bộ, giáo viên đến vận động doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện xã hội, nhà hảo tâm… ủng hộ kinh phí bằng tiền mặt, áo quần, sách vở cho các em. Nhà trường hỗ trợ tùy từng học sinh, đảm bảo em nào cũng nhận được sự giúp đỡ.

Tính riêng trong năm học 2013-2014, Ban giám hiệu Trường tiểu học Hồng Quang đã vận động, tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho học sinh nghèo; kêu gọi Bảo hiểm Bưu điện tặng 30 thẻ bảo hiểm tai nạn, 10 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho học sinh. “Chúng tôi đã có kế hoạch để vận động kinh phí các mạnh thường quân, doanh nghiệp để tặng học bổng năm học 2014-2015 cho khoảng 150 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”, bà Lê Thị Hương cho biết.

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu đánh giá, nhờ sự nỗ lực, tận tụy hết mình của tập thể cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quang, những năm gần đây, chất lượng giáo dục nhà trường có những chuyển biến tích cực; việc chăm lo, giúp đỡ học sinh nghèo được thực hiện tốt. Nổi bật nhất là tình hình tuyển sinh thay đổi mạnh mẽ. Từ ngôi trường có tỷ lệ tuyển sinh đầu vào thấp, không đủ chỉ tiêu, mấy năm gần đây, học sinh tuyển hằng năm luôn đạt chỉ tiêu được giao, trung bình mỗi năm tuyển 5 lớp, dao động từ 160-170 học sinh.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.