.

Chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh

.

Bên cạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học, tăng cường công tác an ninh, chính trị, trật tự, an toàn trường học, ngành GD&ĐT đã bắt tay vào thực hiện các dự án, kế hoạch nhằm chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh các lứa tuổi.

Giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh trò chuyện cùng học sinh. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh trò chuyện cùng học sinh. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Năm học 2014-2015, toàn thành phố có hơn 200 nghìn học sinh theo học ở các bậc học. Điểm mới năm học này là học sinh bậc THCS, THPT được học chương trình giáo dục về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. PV Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh (ảnh), Giám đốc Sở GD&ĐT về công tác chuẩn bị năm học mới, cũng như những nỗ lực của ngành GD&ĐT thành phố nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học này.

Ông Lê Trung Chinh cho biết: Toàn ngành đã tập trung đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo các điều kiện, sẵn sàng cho năm học mới. Theo đó, toàn ngành đã được đầu tư phát triển với tổng kinh phí gần 240 tỷ đồng cho các bậc học. Trong đó, có 211 phòng học được xây dựng mới và 117 phòng học được cải tạo sửa chữa. Tính đến nay, ngành GD&ĐT đã cơ bản chuẩn bị đủ số phòng học cần thiết phục vụ năm học 2014-2015 cho tất cả các cấp học, ngành học, bậc học trên địa bàn thành phố. Một số đơn vị có công trình xây dựng sắp hoàn thành cũng đã chủ động sắp xếp đủ số phòng học cần thiết. Bảo đảm trong năm học đến, toàn thành phố không có phòng học ca ba, phòng học nhờ, mượn.

Ông Lê Trung Chinh
Ông Lê Trung Chinh

 * Điểm mới trong năm học này là học sinh THCS, THPT sẽ được học chính khóa chương trình dạy học lịch sử địa phương về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Mỗi khối lớp các em được học 1 hoặc 2 tiết/năm học. Thời lượng, chương trình học như vậy có bảo đảm cho học sinh hiểu biết đầy đủ về những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng biên soạn tài liệu giảng dạy về quần đảo Hoàng Sa trong trường học từ năm học 2014-2015. Sau khi được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, Sở sẽ tổ chức triển khai.

Về giáo dục ngoại khóa, hiện có 2 tập tài liệu “Giáo dục về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo” THCS và THPT do Bộ GD&ĐT phát hành từ năm học 2012-2013. Sở đã hướng dẫn tài liệu này đến các trường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Về nội khóa, trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12, ở các môn Sử, Địa đã có những nội dung giáo dục về biển, đảo, tài nguyên, môi trường, chủ quyền... Tài liệu về Hoàng Sa là tài liệu dạy học thuộc chương trình nội khóa nên phải đảm bảo tính khoa học, lịch sử, mang tính giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và phù hợp với chính sách, pháp luật nước ta.

Qua nghiên cứu, Sở đề xuất biên soạn tài liệu đưa vào các bài dạy, tiết dạy đã được quy định trong chương trình về giáo dục địa phương theo sự cho phép của Bộ GD&ĐT (lớp 6 có 1 tiết, lớp 7 có 3 tiết, lớp 8 có 1 tiết, lớp 9 có 2 tiết, lớp 10 có 1 tiết, lớp 11 có 1 tiết, lớp 12 có 2 tiết). Cấu trúc bài học không chỉ cung cấp cho học sinh những nhận thức về Hoàng Sa mà còn cả lịch sử Đà Nẵng nói chung. Tài liệu sẽ theo hướng tích hợp thành những bài học lịch sử địa phương, trong đó có mục nói về Hoàng Sa dưới góc độ lịch sử, khoa học, pháp lý và mang tính giáo dục. Với thời lượng được phân phối như trên là phù hợp. Các nội dung cần thiết khác có thể tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp.

* Tại cuộc làm việc về công tác chuẩn bị năm học mới 2014-2015, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu ngành GD&ĐT phải có giải pháp giảm chênh lệch giữa các trường, khu vực, thực hiện quyết liệt việc điều động giáo viên giữa trường này và trường khác để điều hòa chất lượng dạy học. Vậy ngành GD&ĐT triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Việc thu hẹp chênh lệch chất lượng giữa các trường trung tâm với vùng ven, các xã miền núi là mục tiêu mà ngành phải phấn đấu thực hiện bằng những giải pháp căn cơ, đồng bộ trên cơ sở phân tích các yếu tố kinh tế-xã hội từng vùng, công tác tuyển sinh, đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Các năm qua và những năm tiếp theo, Sở GD&ĐT tham mưu lãnh đạo thành phố ưu tiên việc đầu tư hơn nữa cho các trường vùng khó khăn cả về cơ ngơi lẫn con người. Bên cạnh công tác nâng chuẩn, tập huấn nâng cao chuyên môn cho đội ngũ, Sở GD&ĐT sẽ điều chuyển giáo viên trên cơ sở hợp lý, để tăng cường chất lượng giáo dục, động viên và có cơ chế cho giáo viên trẻ, giáo viên có năng lực, tâm huyết đến công tác những nơi còn khó khăn. Hằng năm, khi chuẩn bị năm học mới, Sở GD&ĐT sẽ báo cáo cụ thể với UBND thành phố về kế hoạch điều động này.

* Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố, chất lượng dạy và học ở các trường THPT có những chuyển biến đáng khích lệ trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của Đà Nẵng thời gian gần đây vẫn còn “khiêm tốn” so với một số địa phương trên cả nước. Vậy ngành GD&ĐT khắc phục tình trạng này ra sao?   

- Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của Đà Nẵng trong nhiều năm qua và năm học 2013-2014 không quá “khiêm tốn” nếu so sánh với các tỉnh, thành trong cả nước. Năm qua, học sinh Đà Nẵng đã đoạt 2 huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán và Sinh học; dẫn đầu cuộc thi Tin học trẻ quốc gia với 2 huy chương vàng; đoạt giải quốc tế về Viết thư UPU, giải quốc tế Robotic tiểu học tại Manila... Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng tuyển sinh vào các trường ĐH, ngành tiếp tục tập trung vào chất lượng học sinh giỏi, đầu tư dạy học để duy trì vững chắc thành tích đã có, xứng đáng với sự đầu tư của thành phố.

* Dư luận xã hội cho rằng việc dạy đạo đức, dạy học sinh làm người chưa được nhà trường quan tâm đúng mức, dẫn đến một số trường hợp học sinh có hành vi lệch lạc, nhất là trong môi trường xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. Vậy ngành GD&ĐT có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Đây là vấn đề lớn, thậm chí là lớn nhất của giáo dục nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Các năm qua, bên cạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học, tăng cường công tác an ninh, chính trị, trật tự, an toàn trường học, ngành đã bắt tay vào thực hiện các dự án, kế hoạch nhằm chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh các lứa tuổi. Các chương trình Hành trang tuổi hồng, Hành trình yêu thương, Đề án giáo dục kỹ năng sống được triển khai với đội ngũ chuyên gia giỏi và bộ tài liệu mới với phương pháp hiện đại, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi.

Thành phố còn ưu tiên bố trí loại hình giáo viên tâm lý để hỗ trợ cho các trường trong năm học này và những năm đến. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các ban, ngành chức năng thành phố được coi trọng ở các cấp. Phong trào Đoàn-Hội-Đội và công tác thanh-thiếu niên được đổi mới cả hình thức và nội dung để đưa học sinh, sinh viên vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn nhằm tránh rơi vào lãng phí thời gian, sa vào những trò chơi trực tuyến, cờ bạc, tệ nạn v.v...

* P.V: Xin cảm ơn ông!

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.