.

Trường không đạt chuẩn vì thiếu nhà vệ sinh

.

Mặc dù có chất lượng giáo dục thuộc hạng cao nhất trong số 19 trường tiểu học của huyện Hòa Vang, nhưng Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong) chỉ vì thiếu... nhà vệ sinh (NVS) mà vẫn chưa thể đạt chuẩn quốc gia.

Nhà vệ sinh dành cho giáo viên xuống cấp, chật chội.
Nhà vệ sinh dành cho giáo viên xuống cấp, chật chội.

Để trở thành trường chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chí, bao gồm: công tác tổ chức quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất - trang thiết bị học đường, xã hội hóa giáo dục và chất lượng giáo dục. Trường tiểu học Lâm Quang Thự đạt 4/5 tiêu chí, đa số vượt chuẩn ở mức 2. Tiêu chí còn lại chưa đạt là cơ sở vật chất - trang thiết bị trường học, dẫn đến danh hiệu trường chuẩn quốc gia vẫn chưa thể với tới được.

600 học sinh sử dụng... 6m2 nhà vệ sinh

Tiêu chí cơ sở vật chất - trang thiết bị học đường nằm ngoài khả năng nội lực của trường, bởi phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư giáo dục của huyện và thành phố. Trước mặt Trường tiểu học Lâm Quang Thự (cơ sở chính - Túy Loan Tây 1) là quốc lộ 14B cũ, bên hông trái là quốc lộ 14G (ĐT 604 cũ), bên hông phải là nhà dân, sau lưng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình Túy Loan. Đây là nguyên nhân không thể mở rộng diện tích trường để đạt chuẩn về không gian trường học.

Theo tiêu chuẩn, trường chuẩn khu vực nông thôn phải đạt 10m2/học sinh. Thực tế, tại cơ sở 1 có diện tích 4.166m2/600 học sinh. Nếu tính cả 3 khu vực (Túy Loan Tây 1, An Tân và Khương Mỹ), toàn trường có tổng diện tích 6.354m2/923 học sinh, bình quân 6,9m2/học sinh. Thiếu diện tích dẫn đến thiếu hàng loạt hạng mục về cơ sở vật chất như: phòng chức năng, phòng giáo dục nghệ thuật, mỹ thuật lưu trữ, nhà thi đấu đa năng, phòng làm việc của phó hiệu trưởng, phòng truyền thống, phòng y tế học đường (đang dùng chung với phòng công tác Đội), phòng tin học, bàn ghế hội họp, nhà để xe giáo viên và học sinh.

Bức xúc nhất là NVS của giáo viên và học sinh thiếu trầm trọng. “Không thể mở rộng khuôn viên nhà trường, đành phải dùng ghép các phòng xen kẽ lẫn nhau. Nếu xây dựng thêm một phòng, nghĩa là thu nhỏ diện tích học tập và sinh hoạt của học sinh. Tuy nhiên, điều này vẫn không bức xúc bằng việc 600 học sinh (cơ sở 1) sử dụng 4 NVS, gồm 2 NVS nam, 2 NVS nữ; toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường dùng chung 2 NVS (1 NVS nam, 1 NVS nữ). Tôi là hiệu trưởng cũng không ngoại lệ. Nhiều khi vì lý do tế nhị, thôi thì chịu nín... về nhà vậy”, Hiệu trưởng Ông Văn Sơn nói.

Mặc dù có 4 NVS dành cho học sinh, nhưng mỗi NVS có diện tích lớn nhất là... 2m2. “NVS dành cho học sinh nam có 2 cái, trong đó một NVS 2m2, một NVS 1m2. Tương tự, NVS dành cho học sinh nữ có 2 cái, trong đó một NVS rộng 2m2 có 2 bồn cầu và một NVS 1m2 có một bồn cầu. Còn NVS giáo viên có 2 cái, mỗi NVS rộng 1m2, có một bồn cầu. Tính tổng các NVS của trường rộng chỉ... 8m2 với 5 bồn cầu. Học sinh hay giáo viên thường tập trung sử dụng vào giờ giải lao, thành ra quá tải, có em phải... nín là chuyện thường”, người dọn vệ sinh ở trường cho biết.

Chờ xây trường mới

Giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng trên là chuyển đến địa điểm mới và xây mới trường. “Chuyển đến địa điểm mới, xây trường đủ diện tích tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 59, ngày 28-12-2012 của Bộ GD-ĐT thì mới giải quyết được các tồn tại kể trên. Nhà trường đã có đề án chi tiết về vấn đề này, đã trình lên UBND xã Hòa Phong, Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, nhưng đến nay vẫn phải chờ, vì cấp xã, huyện cũng không thể tự quyết được”, thầy Sơn nói.

Ông Lâm Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết phương án xây trường mới đã có, song vẫn phải chờ cấp trên phê duyệt. Hiện toàn xã có 4 trường (2 tiểu học, 1 mầm non và 1 THCS), mới chỉ có Trường tiểu học An Phước đạt chuẩn quốc gia. Các trường còn lại đa số đều thiếu tiêu chuẩn diện tích để đạt chuẩn. Theo quy định về Đề án xây dựng nông thôn mới, trong tiêu chí về trường học, xã phải có trên 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2015, xã Hòa Phong phải hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện mới đạt 25% số trường đạt chuẩn quốc gia.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.