.
Viết tiếp bài "Tuyển sinh lớp 1 ở các trường tiểu học quận Hải Châu: Nơi thừa, nơi thiếu"

"Chạy trường" bằng hộ khẩu?

.

Báo Đà Nẵng số ra ngày 26-7 đăng bài viết “Tuyển sinh lớp 1 ở các trường tiểu học quận Hải Châu: Nơi thừa, nơi thiếu”, phản ánh tình trạng nhiều trường quá tải học sinh, trong khi đó một số trường lại thiếu học sinh.

Bài viết nêu tình trạng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu và UBND phường Hải Châu 1 “ấn” 31 hồ sơ học sinh ngoại tuyến có hộ khẩu tại địa bàn phường Hải Châu 1 cho Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Trong khi đó, lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ khẳng định địa bàn tuyển sinh của trường quy định từ tổ 31 và từ tổ 43 đến tổ 52 phường Thạch Thang.

Căn nhà của bà Trịnh Thị Tam ở số K30/12 Trần Phú (nơi cháu Dư Phan Bảo Thư đăng ký hộ khẩu thường trú) được vợ chồng ông Nguyễn Thành Thái (quê Quảng Bình) thuê lại làm nơi sinh sống và buôn bán cà-phê 8 tháng qua.  Ảnh: NGỌC ĐOAN
Căn nhà của bà Trịnh Thị Tam ở số K30/12 Trần Phú (nơi cháu Dư Phan Bảo Thư đăng ký hộ khẩu thường trú) được vợ chồng ông Nguyễn Thành Thái (quê Quảng Bình) thuê lại làm nơi sinh sống và buôn bán cà-phê 8 tháng qua. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Ngay sau khi báo đăng, ông Đoàn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 ký Công văn số 118 gửi Báo Đà Nẵng đề nghị đính chính nội dung bài báo và cho rằng, UBND phường Hải Châu 1 thực hiện chủ trương của Quận ủy, UBND quận Hải Châu và đã được sự cho phép của Phòng GD-ĐT quận Hải Châu. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục thực hiện bài viết này để trả lời UBND phường Hải Châu 1, cũng như giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn sự việc.

Có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương

Theo tài liệu phóng viên Báo Đà Nẵng thu thập được, trong danh sách 31 học sinh nói trên, có 21 trường hợp do UBND phường Hải Châu 1 chuyển sang Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ đề nghị cho học lớp 1 năm học 2013-2014. Thế nhưng, qua kiểm tra, xác minh danh sách học sinh, chúng tôi phát hiện thấy nhiều trường hợp có tên trong hộ khẩu của các hộ dân, nhưng thực tế không hề sinh sống tại địa phương. Tại nhà số 113/28 Nguyễn Chí Thanh, nơi cháu Hồ Vĩnh Bảo Trân (SN 2007) đăng ký hộ khẩu thường trú tháng 10-2010, nhưng thực tế không sinh sống ở đây. Tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Viết Nhã Hằng (xưng là dì ruột cháu Bảo Trân) cho biết, 3 năm nay, mẹ con cháu Bảo Trân sinh sống ở nhà ông bà ngoại trên đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Cách đó hơn 10m, nhà ông Huỳnh Diệp ở số 113/24 Nguyễn Chí Thanh cũng có danh sách cháu Nguyễn Hà Anh Thy (SN 2007) nhập khẩu tháng 12-2010. Ông Diệp nói mẹ cháu là bà con chú bác với ông. Nhưng khi chúng tôi hỏi mẹ và bố cháu tên gì, quê quán ở đâu thì ông Diệp ấp úng trả lời không biết tên gì, nhưng nói rằng hình như quê quán ở Hòa Xuân, vì đã nhập khẩu lâu rồi nên không nhớ (!?). Chúng tôi hỏi thêm có phải hai mẹ con cháu Anh Thy sống cùng nhà với ông không? Ông Diệp trả lời: “Hai mẹ con nó sống trong nhà tôi”. “Sống cùng nhà mà sao bác không biết tên gì?”, chúng tôi hỏi tiếp. Đến lúc này, ông Diệp đổ lỗi do già rồi, nên lẩm cẩm không nhớ (!?).

Còn trường hợp cháu Dư Phan Bảo Thư (SN 2007) có tên trong hộ khẩu của hộ bà Trịnh Thị Tam, số K30/12 Trần Phú (quận Hải Châu) mặc dù không sống tại địa chỉ trên nhưng vẫn được ông Trần Văn Liễu, tổ trưởng tổ dân phố 49 xác nhận và ông Đoàn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 ký bút phê ngày 1-7-2013 như sau: “Công dân Dư Phan Bảo Thư có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Kính chuyển Ban Giám hiệu Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ xem xét giải quyết”.

Trong khi đó, xác minh tại địa chỉ K30/12 Trần Phú, nơi đây là quán cà-phê do ông Nguyễn Thành Thái (quê Quảng Bình) đang buôn bán. Ông Thái cho biết là vợ chồng ông thuê dài hạn ngôi nhà của bà Tam để ở và buôn bán cà-phê 8 tháng nay. Còn bà Tam nghe đâu ở với con cái trên đường Phan Châu Trinh và thi thoảng chỉ đến nhà cũ thu tiền thuê nhà.

Không chỉ Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, UBND phường Hải Châu 1 cũng gửi hồ sơ học sinh có hộ khẩu tại phường Hải Châu 1 sang Trường tiểu học Phan Thanh. Ông Nguyễn Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh cho hay, ngoài 147 trường hợp học sinh có hộ khẩu ở địa bàn phường Thạch Thang, nhà trường cũng tiếp nhận thêm hơn 30 hồ sơ học sinh có hộ khẩu ở phường Hải Châu 1, do UBND phường Hải Châu 1 chuyển sang. Vậy những cháu bé này có thường trú tại địa phương không? Trả lời câu hỏi này, ông Tân cho biết, qua xác minh có vài trường hợp không ở và vài trường hợp thi thoảng mới đến nơi đăng ký hộ khẩu. Hay nói cách khác là sống 50% ở nơi đăng ký hộ khẩu (!).

Chính quyền địa phương và ngành chức năng nói gì?

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, cũng thừa nhận sau khi UBND phường Hải Châu 1 gửi danh sách 33 học sinh có hộ khẩu ở phường Hải Châu 1 sang Trường tiểu học Phan Thanh để tiếp nhận vào học lớp 1 năm học 2013-2014, nhà trường xác minh và báo cáo có 13 trường hợp đăng ký hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương. Thế nhưng, do phụ huynh đến phường phản ứng, nên UBND phường Hải Châu 1 xin ý kiến của lãnh đạo UBND quận Hải Châu, Phòng GD-ĐT quận để giải quyết.   

Vì sao nhiều trường hợp chuyển hộ khẩu đến nhập tại địa phương nhưng thực tế không sinh sống, mà vẫn được tổ dân phố, UBND phường Hải Châu 1 xác nhận, chuyển cho Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ và Phan Thanh yêu cầu cho học lớp 1 năm học 2013-2014? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi tại buổi làm việc sáng 29-7, ông Đoàn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 - nói rằng vì không thể kiểm tra, quản lý hết nên UBND phường chỉ xác nhận trên cơ sở xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố. Ông Sơn cũng thừa nhận, lâu nay cũng có những trường hợp trẻ em 1, 2 tuổi ở địa phương khác được bố, mẹ chuyển hộ khẩu đến nhà người quen ở địa bàn phường Hải Châu 1 để đăng ký thường trú, nhưng thực tế không sống tại địa phương. Thế nhưng, do tình cảm của tổ trưởng tổ dân phố với các hộ dân nên tổ trưởng vẫn xác nhận. 

Chiều 29-7, chúng tôi đến trụ sở Phòng GD-ĐT quận Hải Châu để tìm gặp ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng nhưng không gặp. Liên lạc với ông Nguyễn Đăng Ngưng qua điện thoại thì ông Ngưng cho biết đang bận họp, rồi tắt máy.           

Trong những năm gần đây, nạn “chạy trường” bằng hộ khẩu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường học trên địa bàn quận Hải Châu như: Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ rơi vào cảnh quá tải. Ban giám hiệu các trường này phải tận dụng triệt để các phòng chức năng để làm chỗ học cho học sinh. Và cũng vì quá tải học sinh nên Trường tiểu học Phù Đổng, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ không thể tổ chức cho tất cả học sinh học 2 buổi/ngày. Trước thực tế trên, nhiều phụ huynh phải chọn giải pháp gửi con em mình ăn ở, học buổi thứ 2 tại các trung tâm lưu trú với giá tiền hàng triệu đồng/tháng.

Một phụ huynh trú ở phường Thạch Thang (quận Hải Châu), có con học Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ bức xúc: Tình trạng phụ huynh ở các địa phương khác “chạy trường” bằng hộ khẩu cho con em mình vào các “trường điểm” ở quận Hải Châu đã làm con em người dân sinh sống tại địa phương mất chỗ học. Thay vì được học 2 buổi/ngày như những trường khác, con em chúng tôi phải chịu cảnh học một buổi ở trung tâm lưu trú, với chi phí gần 1,5 triệu đồng/tháng.

NGỌC ĐOAN
 

;
.
.
.
.
.