Những quan ngại của ASEAN

Bắt đầu các hoạt động của ASEAN trong năm 2018, với tư cách là Chủ tịch luân phiên, trong 2 ngày 5 và 6-2, Singapore đã tổ chức hai hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao để thảo luận những vấn đề nổi lên trong khu vực và trên thế giới.

Về quốc phòng, các Bộ trưởng thống nhất mục tiêu hợp tác quốc phòng - an ninh của năm ASEAN 2018 được nước chủ nhà Singapore đưa ra, bao gồm chống khủng bố; hợp tác ứng phó với các loại vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân; bộ quy tắc chống va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) và một tài liệu tương tự áp dụng cho máy bay quân sự…

Về ngoại giao, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường quan hệ với các đối tác của ASEAN là việc làm hết sức cần thiết, tranh thủ thêm nguồn lực để xây dựng Cộng đồng. Tuy nhiên, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, duy trì các quy định, quy trình, không để bên ngoài tác động, chia rẽ, nhất là cần nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó bảo đảm các định hướng của cấu trúc khu vực.

Ngoài ra, các Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và lưu ý việc bồi đắp đất vẫn tiếp tục diễn ra. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã hoan nghênh việc khởi động các cuộc đàm phán trong năm nay về bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi kiềm chế các hoạt động và tránh bất cứ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Tuy nhiên, điều mà dư luận hết sức quan tâm là tháng 8-2017, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một cơ chế đàm phán cho COC. Đó là dấu hiệu tiến bộ, với việc Trung Quốc coi các cuộc đàm phán là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Song, thực tế Bắc Kinh đang câu giờ để củng cố sức mạnh trên biển. Bởi lẽ, việc hoạt động cải tạo, bồi lấp các đảo trên khu vực Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam cũng như các khu vực tranh chấp khác vẫn không hề giảm.

Báo cáo chính thức của Trung Quốc được công bố vào tháng 12-2017 trên trang web của Cơ quan Thông tin và Dữ liệu Hàng hải quốc gia Trung Quốc và tờ Nhân dân Nhật báo cho hay, năm 2017, Bắc Kinh đã xây dựng các công trình trên diện tích khoảng 290.000m2 ở Biển Đông.

Tờ Daily Inquirer (Philippines) mới đây công bố áo cáo cho thấy Trung Quốc gần như hoàn tất việc chuyển 7 rạn san hô ở Biển Đông thành “pháo đài trên đảo” nhằm “thống trị” Biển Đông. Báo này nhấn mạnh, những hình ảnh này cho thấy một chiến dịch xây dựng ráo riết “không hề bị hạn chế” của Trung Quốc… Một số tấm ảnh chụp các tàu hàng và tàu tiếp tế mà tờ báo này nói hình như được dùng để vận chuyển các vật liệu xây dựng tới các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát. Một số tấm ảnh khác cho thấy các công trình do Trung Quốc xây dựng trên các bãi đá như đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn, Gaven, Gạc Ma… càng cho thấy âm mưu của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông như thế nào (?!).

Những hoạt động phi pháp đó của Trung Quốc đã và đang gây lon ngại cho ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề liên quan Biển Đông và ghi nhận quan ngại của các Bộ trưởng về việc bồi đắp đất và các hoạt động trong khu vực. Điều này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, sự ổn định trong khu vực”.

Do vậy, vấn đề cấp bách đang đặt ra là các bên liên quan cần nhận thức đầy đủ về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; giữ vững các cam kết về giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đúng như tinh thần mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị lần này là: Trong quá trình xây dựng COC, các nước đồng thời cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin. Riêng về COC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ, ASEAN và Trung Quốc cần trao đổi thực chất về nội dung văn kiện này, từ đó đạt được COC hiệu quả và có tính ràng buộc, góp phần quan trọng thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực. Có như vậy thì mới giảm sự quan ngại của ASEAN cũng như của cộng đồng quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.