Cơ hội để Syria trở lại hòa bình

Cuộc xung đột ở Syria kéo dài nhiều năm qua là điểm nóng ở Trung Đông. Khi Nga bắt đầu tham chiến cách đây vài năm, tình hình chiến trường Syria có nhiều biến chuyển tích cực, nhất là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cuối năm 2017, Nga tuyên bố rút một phần binh sĩ về nước, đồng thời liên tục xúc tiến kênh ngoại giao để các bên liên quan của Syria ngồi vào bàn đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho đất nước. Theo đó, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria do Nga bảo trợ tại Sochi, với sự tham gia của 1.400 đại biểu đại diện cho các tầng lớp xã hội Syria, đã diễn ra và khép lại vào ngày 30-1. 

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria, ông Staffan de Mistura, đã đưa gần như toàn bộ nhân viên văn phòng của mình ở Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria. Điều đó cho thấy sự quan tâm của LHQ đối với sự kiện này. Trong khi đó, Mỹ tự đứng ngoài cuộc, không tham gia với tư cách quan sát viên.

Hãng TASS cho hay, có 3 văn kiện được Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria thông qua gồm: Tuyên bố kết thúc đại hội; thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội; danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp, nghĩa là tham gia Ủy ban Hiến pháp. Theo đó, Ủy ban Hiến pháp bao gồm cả đại diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập để soạn thảo một hiến pháp cải tổ. Ủy ban Hiến pháp ra đời là một đóng góp lớn cho tiến trình tại Geneva. Danh sách này sẽ được chuyển cho ông Staffan de Mistura trong thời gian sớm nhất.

Điều được dư luận Syria và quốc tế quan tâm là tuyên bố Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria thông qua đã nêu rõ nước cộng hòa Arab Syria phải trở thành một quốc gia dân chủ và không bè phái, dựa trên nguyên tắc đa nguyên chính trị và công dân bình đẳng; không phụ thuộc vào tôn giáo, sắc tộc, giới tính; tôn trọng hoàn toàn và bảo vệ tính tối thượng của pháp luật; phân chia quyền lực, hệ thống tư pháp độc lập; tất cả công dân đều bình đẳng, đa dạng văn hóa trong xã hội Syria; bảo đảm tự do xã hội, bao gồm tự do tín ngưỡng; có các biện pháp về chống tội phạm, tham nhũng và lạm dụng chức vụ.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh, chỉ người dân Syria mới “quyết định được tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ, bằng con đường bầu cử và cần phải có đặc quyền quyết định thể chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay sự can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với quyền và nghĩa vụ quốc tế của Syria”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này và nhìn chung đã thành công. Ông khẳng định Ủy ban hiến pháp sẽ hoạt động tại Geneva theo tinh thần của Nghị quyết 2254 của LHQ. Đây chỉ là bước khởi đầu. Nhưng đúng như thông điệp của Tổng thống Nga Putin gửi Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria rằng, nhờ có sự kiện này mà Damascus có “cơ hội tốt để quay trở lại cuộc sống hòa bình, bình thường”.

Có thể nói, thành công bước đầu của Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của một số nước có liên quan, nhất là Nga, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc, nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này. Người phát ngôn của phe đối lập Syria Yahya al-Aridi cũng phải thừa nhận: “Hội nghị Sochi là thông điệp gửi tới thế giới rằng người dân Syria đang hòa giải”.

Trên cơ sở kết quả đạt được tại hội nghị Sochi, Astana và Geneva, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ. Song, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria mang lại niềm tin về sự khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến hòa bình thực sự cho người dân Syria.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.