Thực tâm hay giả dối?

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu nổ ra ở Mashhad - thành phố lớn thứ hai của Iran ngày 28-12-2017, sau đó lan rộng ra các thành phố khác, nhất là thủ đô Tehran. Một trong những yêu sách của những người biểu tình là cải thiện điều kiện sống của người dân.

Để ngăn chặn hành động bạo lực của những người biểu tình như: gây rối, đập phá tài sản công..., cảnh sát Iran đã bắt giữ hơn 450 người biểu tình tại thủ đô Tehran trong vòng 3 ngày qua. Ngoài ra, do xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình với cảnh sát nên đã có 21 người thiệt mạng.

Một câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân chính biểu tình hiện nay ở Iran?

Theo chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj, người sáng lập Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu - Iran, người dân Iran thường biểu tình, bày tỏ bất bình, phản đối trước các vấn đề kinh tế - xã hội thuần túy, như tình trạng thiếu việc làm, tương lai bất định…

Tuy nhiên, các vụ biểu tình dẫn đến bạo động bắt đầu nổ ra từ Mashhad theo lời kêu gọi “nặc danh” từ phía đối thủ của Tổng thống Hassan Rouhani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có chủ trương ôn hòa, hoặc chí ít là làm suy yếu lực lượng ủng hộ ông.

Ban đầu, họ kêu gọi biểu tình chống vật giá leo thang, nhưng sau đó họ đã mất khả năng kiểm soát biểu tình. Ngọn lửa biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, nhất là những thành phố vừa và nhỏ. Lợi dụng tình hình này, phe đối lập - được các lực lượng chống đối từ bên ngoài ủng hộ - nhanh chóng tập hợp lực lượng, tạo ra làn sóng biểu tình chống chính phủ trên phạm vi cả nước.

Trong hơn một thập niên qua, Iran đã phải hứng chịu chính sách bao vây cấm vận hà khắc của Mỹ và các đồng minh xung quanh vấn đề hạt nhân. Nền kinh tế Iran có lúc trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Tuy thỏa thuận hạt nhân đã được ký vào năm 2015, cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump luôn đe dọa hủy bỏ để đưa Iran trở lại quốc gia bị trừng phạt kinh tế. Bởi vậy, nền kinh tế Iran vẫn chưa thoát khỏi sự trì trệ do chính sách thù địch từ bên ngoài tác động.

Trong khi đó, nhiều vấn đề nảy sinh trong khu vực như cuộc xung đột ở Iraq, Syria, các nước vùng Vịnh..., cũng như cuộc chiến chống khủng bố ở toàn Trung Đông đã cuốn hút nguồn lực nhất định của Iran nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định: “Kẻ thù đã đoàn kết lại và sử dụng mọi cách thức, tiền bạc, vũ khí, chính sách và các cơ quan an ninh nhằm tạo ra các vấn đề cho chính quyền Hồi giáo này. Kẻ thù luôn tìm kiếm cơ hội cũng như bất kỳ kẽ hở nào để xâm nhập và tấn công Iran”.

Ông không nêu rõ quốc gia nào nhưng nói rằng sẽ giải thích kỹ hơn trong tương lai gần. Ngay trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cáo buộc Mỹ, Anh và Saudi Arabia đứng sau các vụ bạo loạn trên đường phố Iran.

Về phía Mỹ, trên trang mạng Twitter, Tổng thống Donald Trump viết rằng, tất cả tiền mà cựu Tổng thống Barack Obama “đưa cho Iran một cách ngốc nghếch đều rơi vào tay khủng bố và túi của chúng”. Trước đó, ngay trong ngày đầu năm 2018, ông Trump chỉ trích: “Người dân Iran vĩ đại đã bị đàn áp trong nhiều năm. Họ đang đói thức ăn và tự do… Sự giàu có của Iran đang bị cướp bóc. Đã đến lúc phải thay đổi!” (?!).

Thái độ của Tổng thống Trump không được cho là “thực tâm” mà bị đánh giá là đang “lợi dụng” cơ hội để chống Iran quyết liệt hơn. GS Mohammad Ali Kadivar, Đại học Brown (Mỹ) gọi đó là thái độ giả dối. “Tổng thống Trump đã đứng về phía những người phản kháng nhưng điều đó dường như không mấy thật tâm bởi trước khi đắc cử và đến lúc này, Tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù nghịch với Iran.

Nếu ông thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran, lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào nước này. Dù sao đi nữa mọi người dân Iran mong muốn là Mỹ và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi có quyền tự quyết, độc lập và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề”, GS Kadivar nói.

Ở New York ngày 2-1, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành phiên họp khẩn cấp để bàn về tình hình Iran và nhấn mạnh Washington muốn giúp cho tiếng nói của người dân Tehran lan tỏa hơn nữa (!?).

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định vấn đề trên là “công việc nội bộ của Iran”, đồng thời hy vọng tình hình hiện nay không diễn tiến theo hướng bạo lực, đổ máu. Theo Nga, việc can thiệp từ bên ngoài gây mất ổn định Iran là “không thể chấp nhận”.  

Thực tế trên cho thấy, bài học mà các nước phương Tây muốn áp dụng cho Iran hiện nay đã được sử dụng ở Ukraine, Georgia, Libya, Syria... với ngôn từ mỹ miều “cách mạng màu” để lật đổ các chính quyền hợp pháp, phục vụ chiến lược “diễn biến hòa bình” có từ thời Chiến tranh Lạnh.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.