Ai cần ai hơn và ai có lợi?

Quan hệ Mỹ - Pakistan nhiều thập niên qua có những bước thăng trầm đầy ấn tượng. Cứ sau mỗi “cơn dư chấn”, họ không buông bỏ mà lại tìm đến nhau bằng cách này hay cách khác, vì lợi ích chiến lược mà mỗi bên toan tính. Quan hệ giữa hai bên đang bước vào giai đoạn khủng hoảng khi Mỹ tuyên bố rút khoản viện trợ an ninh 255 triệu USD dành cho Pakistan. Vậy đâu là nguyên nhân để dẫn đến sự đổ vỡ lần này?

Căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan nảy sinh từ nhiều tháng qua sau khi Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu về chính sách đối với Afghanistan đã cáo buộc Islamabad chứa chấp các nhóm cực đoan thường xuyên thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào binh sĩ Mỹ và Afghanistan, đồng thời cảnh báo quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ bị hủy hoại nếu điều này tiếp diễn.

Tiếp đến, ngày 22-11-2017, tòa án ở Pakistan yêu cầu trả tự do cho Hafiz Saeed, kẻ cầm đầu nhóm Jamaat-ud-Dawa (JuD), chủ mưu vụ bao vây đẫm máu tại thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008 làm 166 người thiệt mạng, trong đó có 6 người Mỹ.

Trước diễn biến đó, từ đầu năm 2018, Tổng thống Trump lại cáo buộc Pakistan cung cấp “nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố”, bất chấp gói viện trợ trị giá hơn 33 tỷ USD của Mỹ dành cho Pakistan trong 15 năm qua. Ông còn gọi sự viện trợ của Mỹ dành cho Pakistan là “ngốc nghếch”.

Giới chức ở Washington thẳng thừng cáo buộc Pakistan chơi trò “hai mặt” thông qua hỗ trợ các tay súng thuộc mạng lưới Haqqani và Taliban ở Afghanistan gây bất ổn tại đất nước này. Mỹ coi đây là “cú đánh” sau lưng khá hiểm hóc của một đồng minh.

Xét về logic, sự cáo buộc của Washington đối với Islamabad không phải không có lý khi các phương tiện truyền thông của Mỹ nhắc lại sự kiện xảy ra vào năm 2011: trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt trong cuộc đột kích bí mật của Mỹ bên trong lãnh thổ Pakistan. Nhưng liệu biện pháp cứng rắn của Mỹ có làm quan hệ hai nước trở nên “băng giá” lâu dài, hay Pakistan sẽ nghe theo một cách nghiêm túc để tìm kiếm viện trợ của Mỹ, hay Washington phải “làm lành” với ông bạn “bất kham”?

Về viện trợ của Mỹ, Thiếu tướng Asif Ghafoor người đứng đầu cơ quan Quan hệ công chúng liên quân (ISPR) của Pakistan nói rằng, viện trợ mà nước ông nhận từ Washington đã được giải ngân cho sự ủng hộ của Islamabad dành cho liên quân trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. “Nếu chúng tôi không ủng hộ Mỹ và Afghanistan, họ sẽ không bao giờ có thể đánh bại được Al-Qaeda”, Thiếu tướng Asif Ghafoor nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan cũng cho biết, nước ông đã ngừng hợp tác quân sự và tình báo với Mỹ. Đồng thời, Pakistan đang cân nhắc phương án phong tỏa việc tiếp vận cho các binh sĩ Mỹ được triển khai tại Afghanistan thông qua lãnh thổ của nước này. Nếu điều đó xảy ra thì sự can dự trực tiếp của Mỹ và các đồng minh tại Afghanistan sẽ gặp vô vàn khó khăn, phức tạp.

Bộ trưởng Khan còn cáo buộc Mỹ đang lợi dụng Pakistan là “kẻ giơ đầu chịu báng” cho những thất bại của nước này ở Afghanistan. Ông nói: “Pakistan không muốn ra giá cho những hy sinh của mình mà chỉ muốn những hy sinh này được thừa nhận”. Theo đó, Pakistan sẽ không cho phép cuộc chiến của Afghanistan được tiến hành trên lãnh thổ nước mình, và cho rằng Mỹ đang bận rộn với cuộc chơi đổ lỗi cho Pakistan hơn là hỗ trợ để Islamabad giữ biên giới Pakistan - Afghanistan.

Nếu xét về mặt nào đó, Pakistan cũng có những vấn đề của riêng mình. Pakistan cũng liên tiếp hứng chịu các vụ tấn công khủng bố vô cùng nghiêm trọng tại nhiều thành phố làm thiệt mạng hàng trăm người. An ninh vùng biên giới với Ấn Độ và Afghanistan căng thẳng do các nhóm cực đoan gây nên. Nhưng trên phương diện khác, Islamabad đang khai thác “sự yếu thế” của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như giải quyết vấn đề Afghanistan để có những toan tính cho những lợi ích mang tầm chiến lược của Pakistan.

Ở đây, cũng cần nói tới một mắt xích khác không kém phần quan trọng để Islamabad có thể “ra giá” cao hơn đối với Mỹ, đó là sự hiện diện của Trung Quốc tại Pakistan đang gia tăng. Việc Islamabad đồng ý để Trung Quốc triển khai xây dựng căn cứ quân sự đặt tại cảng Jiwani, khu vực Gwadar, bờ biển phía nam Pakistan, gần biên giới Iran được cho là Islamabad muốn phát tín hiệu “ai cần ai hơn và ai có lợi”. Bởi khi hoạt động quân sự của Trung Quốc có mặt tại Pakistan tất yếu sẽ làm Ấn Độ bất bình, khu vực Nam Á và Trung Đông sẽ trở nên phức tạp vì xuất hiện thêm một cường quốc. Khi mâu thuẫn Mỹ - Pakistan gia tăng, Trung Quốc sẽ sử dụng “phép lợi thế” để hiện diện sâu rộng ở Pakistan và Islamabad cũng cần Bắc Kinh để làm chỗ dựa.

Điều đó làm Mỹ mất chỗ đứng chân trong chiến lược địa chính trị của mình.

Quả thực đây là bài toán khó cho Washington trong lúc này!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.