Động thái bất ngờ từ Mỹ

Bán đảo Triều Tiên liên tục gia tăng sức nóng khi cuộc tập trận không quân rầm rộ chưa từng thấy của liên quân Mỹ - Hàn được bắt đầu từ ngày 4-12, chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn đến nước Mỹ. Vụ thử được cho là dấu hiệu Washington thất bại trong việc vận động thế giới chống Bình Nhưỡng, trong khi lại vấp phải sự thiếu mặn mà từ phía Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, mới đây bất ngờ xuất hiện đề xuất từ phía Mỹ. Đó là, ngày 12-12, khi phát biểu về vấn đề Triều Tiên tại cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở thủ đô Washington, tái khẳng định lập trường lâu dài của Mỹ không dung thứ cho một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, Mỹ sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào Triều Tiên sẵn sàng đàm phán, nhưng Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán với tâm thế sẵn sàng lựa chọn thay đổi. Điều đó cho thấy có sự đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến những tiến bộ về hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như những cuộc “khẩu chiến” gay gắt giữa hai bên trong thời gian gần đây.

Diễn biến này dường như được kết nối từ những hoạt động ngoại giao của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia có những kênh liên lạc với Bình Nhưỡng. Đó là trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Tillerson ở Vienna (Áo) hôm 7-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiết lộ: “Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ về việc bảo đảm an ninh cho đất nước họ. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ điều đó. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho cuộc đàm phán này”. Trong khi đó, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi bình tĩnh và cho biết chiến tranh không phải là mục đích của bất kỳ bên nào.

Còn trang mạng South China Morning Post đưa tin các chuyên gia ngoại giao đã đề xuất thiết lập một cơ chế tạo điều kiện đối thoại 4 bên, gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ, để giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Đề xuất này được đưa ra khi Trung Quốc và Hàn Quốc tìm cách nối lại các kênh liên lạc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13-12.
Vậy phản ứng của Bình Nhưỡng trước những diễn nói trên như thế nào?

Hãng tin NHK (Nhật Bản) dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song Nam cho biết, Bình Nhưỡng sẽ đàm phán với Mỹ nếu các điều kiện được đáp ứng (?!).

Trong khi đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 13-12 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ biến Triều Tiên thành “cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới”, bất chấp sức ép từ Mỹ. Ông Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên “sẽ tiến lên trên thế thắng và nhảy vọt trở thành cường quốc quân sự và hạt nhân mạnh nhất trên thế giới”.

Trước đó, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Thae Jong-su cũng tuyên bố Triều Tiên đã gia nhập hàng ngũ các cường quốc hạt nhân và quân sự toàn cầu. Ông Thae Jong-su kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân quốc gia cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo ông, Triều Tiên đã nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ sản xuất các vật liệu tiên tiến và đây là tài sản độc quyền của các quốc gia được coi là cường quốc trong lĩnh vực tên lửa.

Từ động thái bất ngờ của Mỹ đến những tuyên bố của Triều Tiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dựa vào lời xác quyết của KCNA, bà Melissa Hanham, chuyên gia Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu Middlebury về kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân đề nghị chính phủ Mỹ “nên nắm bắt cơ hội này để thương lượng một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng. Tuy có rủi ro thất bại, nhưng nếu không đàm phán thì chẳng khác nào tiếp tục cho đối phương thời gian để cải tiến vũ khí”.

Ngược lại, theo AFP, ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng là một bước lùi không thể chấp nhận được.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Jeffrey Lewis, một chuyên gia khác của Viện Nghiên cứu Middlebury hiến kế: “Không ai thích, cũng không ai muốn giàn tên lửa hạt nhân liên lục địa của Bình Nhưỡng chỉa mũi vào nhà, nhưng phải tập sống chung cho quen” (?!).

Vậy thì sự dị biệt đó của Washington và Bình Nhưỡng có gặp nhau ở bàn đàm phán hay không là câu chuyện còn rất khó khăn ở phía trước!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.