Tự lực cánh sinh

Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, an ninh và quốc phòng là một trong những lĩnh vực ưu tiên cho công tác triển khai chiến lược toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm: xây dựng khả năng phục hồi và cách tiếp cận tổng hợp đối với xung đột và khủng hoảng, tăng cường mối liên kết giữa chính sách nội bộ và đối ngoại, cập nhật các chiến lược chuyên đề và tăng cường các nỗ lực ngoại giao.

Hướng tới các mục tiêu đó, ngày 13-11, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU có buổi thảo luận chung tại Brussels (Bỉ) về triển khai chiến lược toàn diện trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Theo các nhà quan sát, hội nghị được sự quan tâm của nhiều nước thành viên EU trong việc làm sao nâng cao sức mạnh quân đội nhằm đối phó với nhiều thách thức nghiêm trọng đang đe dọa an ninh và hòa bình khu vực, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp…
Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU lần này đã nhất trí về quỹ bảo vệ châu Âu nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cho phép các nền kinh tế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng EU. Hội nghị cũng đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy cơ chế đánh giá phối hợp hằng năm về phòng vệ, trong đó hướng tới mục tiêu thiết lập quy trình để có tầm nhìn tổng quan hơn về kế hoạch chi tiêu quốc phòng.

Đáng chú ý trong cuộc họp là các bộ trưởng đã đạt được thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO). PESCO đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí. PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cam kết thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng, dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp “hỗ trợ thực chất” cho các sứ mệnh quân sự của EU.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nêu rõ: Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, EU đã nhận thức rõ khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình. Vì vậy, việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập trở nên cấp thiết.

Cao ủy EU về chính sách đối ngoại, bà Federica Mogherini, ủng hộ sự kiện này và coi đây là “thời khắc lịch sử”. Được biết, quỹ quốc phòng của EU sẽ hỗ trợ kinh phí cho PESCO 5 tỷ euro.

Thỏa thuận PESCO có 23 nước thành viên EU ký kết. Còn Anh, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta không ký tham gia thỏa thuận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết hỗ trợ PESCO. Các nước thành viên EU lựa chọn không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập sau nếu muốn.

Đánh giá về sự kiện nói trên, nhật báo Le Figaro (Pháp) nhấn mạnh, quốc phòng châu Âu muốn thoát khỏi cái bóng của Mỹ.Đây không phải là việc thành lập quân đội châu Âu hay bỏ qua NATO, nhưng là bước đầu hướng đến tự lực cánh sinh, với các dự án sản xuất vũ khí chung, đóng góp vào ngân sách quốc phòng và trong tương lai có thể triển khai các lực lượng chung. Tờ báo còn nhận xét, thỏa thuận này càng ý nghĩa hơn khi được đưa ra trong dịp Paris kỷ niệm 2 năm thảm kịch khủng bố ngày 13-11-2015. Bên cạnh mối đe dọa khủng bố, cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhắc nhở rằng cú sốc giữa các cường quốc chưa phải là chuyện quá khứ. Kẻ thù đang tiến gần, còn đồng minh lớn Mỹ lại lùi ra xa. Bởi vậy, châu Âu buộc phải tự lo lấy vận mệnh của mình, và ngay cả nước Đức nay cũng đã nhận ra điều ấy! Trong khi đó, kênh RT (Nga) dẫn lời chuyên gia địa chiến lược Konstantin Sokolov đánh giá, EU có thể đang chuẩn bị cho những bất ổn có thể gây ảnh hưởng đến các thành viên của khối.

Những diễn trên cho thấy, việc ra đời thỏa thuận PESCO là EU đang tìm mọi cách củng cố liên minh sau khi Anh rời khối và Tổng thống Mỹ Donal Trump chỉ trích các thành viên châu Âu của NATO không thực hiện cam kết về chi tiêu quốc phòng. Động thái này khiến giới truyền thông quốc tế nghi ngờ các nước thành viên EU đang tiến gần tới việc hình thành một lực lượng quân sự chung song song với sự tồn tại của NATO.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.