Chưa phải hồi kết

Việc chính phủ Syria, được hậu thuẫn từ các đồng minh như Iran, phong trào Hezbollah và Nga, mở cuộc phản công tổng lực, giải phóng hoàn toàn thị trấn Albu Kamal (thuộc tỉnh Deir Ezzor) - thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - là một trong những cột mốc đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong xung đột Syria.

Việc Syria đánh bại IS là thành công lớn của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, với sự trợ giúp đắc lực của Nga và các đồng minh. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp khác, mà các siêu cường liên quan như Nga, Mỹ, hay các quốc gia trong khu vực phải tốn nhiều công sức mới có thể giải quyết. Trong đó, nổi lên một số điểm chính sau đây:

Trước hết là vấn đề nội bộ của Syria. Cách đây hơn 6 năm, trong trào lưu cuộc “cách mạng màu” ở Trung Đông, lực lượng đối lập ở Syria đã tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ, rồi dần chuyển sang nội chiến đẫm máu.

Từ đó đến nay, quốc tế đã nhiều lần môi giới cho các bên nội bộ ở Syria ngồi lại với nhau để hòa giải dân tộc, chống khủng bố, thoát khỏi nguy cơ nội chiến, nhưng bất thành. Gần đây, cả Nga, Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các bên ngồi lại với nhau, nhưng còn nhiều bất đồng chưa thể tháo gỡ.

Dư luận cho rằng, nếu Mỹ và những nước ở Trung Đông “bật đèn xanh” thì không có gì khó để phe đối lập cùng chính quyền Tổng thống Assad tìm ra lối thoát cho vấn đề nội bộ của Syria.

Hai là, khi Syria rơi vào bất ổn, các tổ chức khủng bố đã gia tăng hoạt động, trong đó chủ yếu là Al-Qaeda và sau đó là IS. Chỉ trong vài năm, chúng đã chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, thiết lập thành trì vững chãi. Mỹ đã lập liên minh lỏng lẻo để chống IS, đồng thời muốn loại bỏ chính quyền do Assad lãnh đạo.

Trong tình thế đó, Nga can thiệp bằng việc trợ giúp chính quyền Syria về vũ khí và lực lượng không quân để kiểm soát không phận. Khi Nga có mặt ở Syria thì cục diện thay đổi; đến ngày 19-11, IS căn bản bị loại bỏ khỏi chiến trường này. Vì thế, hai siêu cường đã đối diện với nhau trên chiến trường Syria.

Nhưng đến thời điểm này, phần thắng thuộc về Nga cả về phương diện chính trị, quân sự lẫn ngoại giao. Thậm chí, Nga còn có căn cứ quân sự ở Syria và khẳng định tiếp tục có mặt tại quốc gia này sau khi IS bị quét sạch hoàn toàn. Còn Mỹ không những mờ nhạt mà còn bị một số đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng vì cho rằng Washington mập mờ trong hành động. Do vậy, lúc này, Mỹ và Nga sẽ nhìn nhận, thỏa hiệp ra sao để giúp Syria tái thiết và củng cố nền hòa bình thật sự bền vững - đây là câu chuyện mà cả Washington lẫn Điện Kremlin nhiều lần bàn thảo nhưng chưa thống nhất.

Ba là, Israel coi sự hỗ trợ của Iran và phong trào Hezbollah để Syria giành chiến thắng IS như cái ung nhọt mà Tel Aviv cắt bỏ. Không ít lần không quân của Israel tấn công vào quân đội Syria và phong trào Hezbollah đóng quân gần biên giới của mình.

Ở một phương diện khác, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad để chống IS, nhưng lực lượng người Kurd ly khai còn nằm dọc biên giới giữa hai quốc gia là vấn đề hóc búa mà Ankara không thể giải quyết một sớm một chiều.

Một liên minh khác do Saudi Arabia đứng đầu ủng hộ phe đối lập chống chính quyền Assad cũng không thể ngồi yên khi thấy nước này ổn định trong thế thượng phong có “bàn tay” của Iran và phong trào Hezbollah…

Bốn là, vấn đề người tị nạn Syria lên đến đến hàng chục triệu ở các nước láng giềng và cả châu Âu. Mấy triệu người còn nằm trong các khu tập trung dọc biên giới, việc lo cho họ sinh sống hay trở về nhà quả thật không dễ dàng khi hầu hết làng mạc, thành phố đều đổ nát, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Chưa kể, câu chuyện người tị nạn cũng là cơ hội để các phần tử khủng bố trà trộn trở về.

Do vậy, việc quân đội Syria chiếm giữ thành trì cuối cùng của IS thật ra chỉ khởi đầu cho một trang lịch sử mới của quốc gia này. Bởi lẽ, không chỉ 4 vấn đề nói trên mà có thể đến cả trăm vấn đề nóng bỏng khác đã và đang đặt ra cho chính quốc gia này cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là hai siêu cường Mỹ và Nga - vốn có những lợi ích chiến lược ở Trung Đông.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.