Câu hỏi chưa có lời giải

Bất chấp sự gia tăng trừng phạt của cộng đồng quốc tế, sau gần 2 tháng im lặng, sáng sớm 29-11, CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ tỉnh nam Pyongan, bay 1.000 km trong 50 phút và đạt độ cao bất ngờ 4.500m trước khi rơi xuống biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là vụ thử ICBM thứ 3 của Triều Tiên từ tháng 7 đến nay và là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ ngày 15-9, khi nước này bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Động thái này của Bình Nhưỡng nhanh chóng gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản ngay lập tức chỉ trích mạnh mẽ động thái này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Tokyo sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) họp khẩn, đồng thời khẳng định sẽ gây áp lực tối đa lên Triều Tiên cùng với sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng triệu tập họp Hội đồng An ninh quốc gia. Quân đội Hàn Quốc tuyên bố ngay lập tức tiến hành tập trận giữa các binh chủng hải - lục - không quân và bắn tên lửa “tấn công chính xác” nhằm đáp trả vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng. Thông báo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta đang theo dõi các hoạt động của quân đội Triều Tiên 24/24 giờ. Điều này cho thấy quyết tâm và khả năng của chúng ta trong việc tấn công chính xác vào nơi xuất phát hành động khiêu khích cũng như các cơ sở chủ chốt của đối phương trên bộ, trên biển và trên không”.

Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xử lý tình hình sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, tên lửa lần này “bay cao hơn những lần phóng trước đây”, gây ra “mối đe dọa về tên lửa với hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế”. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chỉ trích động thái của Bình Nhưỡng, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt.

Những diễn biến trên cho thấy tham vọng về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu thay đổi mà đang gia tăng những nỗ lực để sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo sĩ quan truyền thông thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản Masaki Hikida, vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy tham vọng của Bình Nhưỡng chưa chấm dứt. Đây thật sự là bài toán khá hóc búa mà Hàn Quốc cùng các đồng minh, nhất là Mỹ và Nhật Bản, phải tìm mọi cách để hóa giải.

Trên thực tế chỉ có hai sự lựa chọn: một là thông qua đàm phán; hai là biện pháp quân sự. Để ép CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, cả LHQ cũng như Mỹ - Hàn - Nhật đã gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm vào kinh tế, nhưng xem ra Bình Nhưỡng chưa lùi bước. Gần đây, Tổng thống Donald Trump quyết định đưa CHDCND Triều Tiên vào danh sách “những nhà nước bảo trợ khủng bố” với hy vọng Bình Nhưỡng sẽ nhượng bộ. Thậm chí Mỹ, còn thúc ép và buộc Trung Quốc tham gia thật sự vào hàng loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Còn biện pháp quân sự thì cả Mỹ lẫn Hàn Quốc và Nhật Bản đều tính đến. Nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, với sự tham gia của hàng ngàn máy bay, tàu chiến, cả các tàu sân bay hiện đại của Mỹ áp gần sát vùng biển Triều Tiên. Mỹ cũng xây dựng hệ thống tên lửa bắn chặn tại Hàn Quốc để đối phó với tên lửa của Bình Nhưỡng... Nhưng phát động chiến tranh sẽ là hành động mang tính rủi ro rất cao, gây nhiều thương vong cho cả hai bên, nhất là thường dân. Một khi xung đột nổ ra, rất có thể sẽ có cả vũ khí hạt nhân được đưa vào tham chiến, thì sức hủy diệt của nó đối với con người là vô cùng tàn khốc.

Chính vì khai thác được điểm yếu đó của Mỹ và các đồng minh của Washington nên Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp các biện pháp trừng phạt. Cho nên, bài toán cuối cùng để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn dùng dằng trong mấy thập niên qua và hiện là câu hỏi lớn cho các bên có liên quan.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.