Lợi hay hại?

Một trong những mục tiêu để ông Donald Trump tiến vào Nhà Trắng là chủ trương “nước Mỹ trên hết”. Để làm rõ quan điểm đó, ngày 19-9 vừa qua, Tổng thống Trump phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 72 khẳng định, là người đứng đầu nước Mỹ, ông luôn đặt nước Mỹ lên trên hết.

Bởi vậy, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, việc đầu tiên mà ông Trump làm là ngày 23-2-2017 ký sắc lệnh hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước này khởi xướng và theo đuổi đàm phán trong nhiều năm. Kế đến, ông Trump dọn đường để rút khỏi Hiệp định tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) - khối liên minh thương mại lớn nhất thế giới.

Ngày 2-6, ông Trump tiếp tục làm cả thế giới choáng váng khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris, vốn được gần 200 nước thông qua tại Pháp hồi tháng 12-2015. Theo hiệp định này, Mỹ cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải từ 26-28% so với mức năm 2005. Nhưng Tổng thống Trump quyết rút Mỹ khỏi hiệp định, vì như ông nói: “Tôi không thể ủng hộ một thỏa thuận trừng phạt Mỹ trong khi nó không quy định nghĩa vụ có ý nghĩa nào đối với những nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới” (?!).

Gần đây nhất, ngày 12-10, Mỹ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO). Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: Quyết định “phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel”. Đại sứ Mỹ tại UNESCO Chris Hegadorn cũng nêu 2 lý do: thứ nhất, những căng thẳng gia tăng kể từ khi UNESCO kết nạp Palestine thành một thành viên; thứ hai, tổ chức này đã bị chính trị hóa, ảnh hưởng đến các hoạt động của UNESCO, trở thành một diễn đàn có xu hướng chống Israel (?!). Đáng chú ý hơn, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng, những người đóng thuế tại nước Mỹ không thể tiếp tục trả cho các chính sách luôn mang “tính chất thù địch” với Mỹ và nước này sẽ tiếp tục cân nhắc các tổ chức khác trong khuôn khổ LHQ.

Chỉ sau đó một ngày, Tổng thống Mỹ Trump chính thức từ chối công nhận Iran tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân - động thái chuẩn bị cho tiến trình rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vốn được Tehran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký kết năm 2015.

Hai tờ nhật báo lớn của Pháp là Le Figaro và Le Monde chỉ trích mạnh mẽ quyết định gây nguy hiểm cho thế giới, cũng như thái độ xem thường đồng minh của Tổng thống Trump. Bài xã luận của tờ Le Monde nhận định: Mỹ đã không giữ lời, đàm phán với Mỹ giờ không còn dễ, và nước Mỹ dưới thời Trump không còn đáng tin cậy. Chính sách đối ngoại của Mỹ giờ buộc phải theo tính khí thất thường của một vị tổng thống, trước sau bất nhất, công khai xem thường các đồng minh của mình.

Với việc không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, ông Trump đã phá hỏng những nỗ lực của quốc tế về việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Teheran. Nhà báo Pháp Renaud Girad cho rằng, quyết định của ông Trump là một mũi tên trúng 3 đích: thứ nhất, LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đã có những đóng góp tích cực để đạt thỏa thuận phi hạt nhân này; thứ hai, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (AIEA), cơ quan giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân Iran trong nhiều năm qua; cuối cùng là những nước còn lại tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, kiến ​​trúc sư chủ chốt của thỏa thuận với Iran, cho rằng quyết định của ông Trump làm suy yếu vai trò của Washington, khiến cường quốc này mất đồng minh… Các đồng minh truyền thống của Washington ở châu Âu lúc đầu rất thận trọng trong cách tiếp cận đối với ông Trump, với hy vọng ông sẽ bớt cực đoan khi vào Nhà Trắng. Thế nhưng, hy vọng này bị quyết định của Tổng thống Mỹ đối với vấn đề về Iran phá tan, và châu Âu nhất loạt phản ứng.

Chuyên gia Barbara Slavin thuộc Trung tâm tham vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) lý giải: “Ông Trump có vẻ như nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đủ để nước này có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vào bất cứ lúc nào… Điều mà ông ấy không hiểu là Mỹ chỉ ở đỉnh cao quyền lực khi vận động để đạt đến sự đồng thuận quốc tế”!

Các nhà quan sát chính trị nhận định, quyết định của ông Trump là vì chủ trương “nước Mỹ trên hết”, hay đang làm tổn hại đến các mối quan hệ đa phương, vốn dĩ đã có những đóng góp tích cực trên nhiều vấn đề địa chính trị. Hơn thế, những quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ tạo ra hai mối lo lớn: tiếng nói của Mỹ giờ không còn nhiều giá trị gì nữa và sự việc cho thấy ông Trump đang leo thang chống lại các mối hợp tác đa phương.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.