Nguy cơ chiến tranh sắc tộc

Vấn đề cộng đồng người Kurd luôn là bài toán hóc búa cho các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran... Đặc biệt, việc đòi độc lập của người Kurd đã trở thành cuộc đấu tranh dai dẳng nhiều năm qua, kể cả xung đột vũ trang trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Một khi chính quyền tự trị của người Kurd đòi độc lập thì sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và các quốc gia liên quan sẽ bị chia cắt; nhiều hệ lụy khác cũng nảy sinh, làm tình hình trong khu vực phức tạp bội phần.

Người Kurd có chính quyền khu tự trị (KRG) theo Hiến pháp năm 2005 nhưng khu vực này vẫn là một phần của Iraq. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của chính quyền Iraq cũng như một loạt quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống như Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế, KRG vẫn tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 25-9. Có 72% số cử tri đủ điều kiện (3,3 triệu trong tổng số 4,58 triệu cử tri đăng ký tham gia trưng cầu dân ý) đi bỏ phiếu và 91,8% ủng hộ việc độc lập khỏi chính quyền Trung ương Iraq.

Quốc hội Iraq đã công bố một gói biện pháp đối với KRG về cuộc trưng cầu dân ý, yêu cầu Thủ tướng Haider al-Abadi, người đang đảm nhận vị trí Tổng Tư lệnh các lực lượng Iraq, tái triển khai các lực lượng an ninh nước này tại những khu vực tranh chấp bên ngoài khu vực người Kurd. Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ liên bang giành lại quyền kiểm soát những mỏ dầu tại các khu vực tranh chấp dưới sự giám sát của Bộ Dầu mỏ; cho phép chặn tất cả những vị trí băng qua biên giới theo mọi hướng, bao gồm giữa khu vực này và phần còn lại của Iraq; yêu cầu các quốc gia trên thế giới có lãnh sự quán tại khu vực người Kurd đóng cửa các cơ quan này...

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực. Mỹ cho rằng, người Kurd không thể tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với chính phủ Iraq nếu họ ngoan cố tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền Trung ương về mọi vấn đề liên quan.

Các nước láng giềng của Iraq là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria, coi kế hoạch trưng cầu ý dân của người Kurd là bước đi có thể đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của họ; đồng thời cho rằng hành động này sẽ kích động các cộng đồng người Kurd trong khu vực có động thái tương tự.

Iran tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại hậu quả của cuộc trưng cầu, nhấn mạnh sự kiện này sẽ gây “hỗn loạn chính trị”. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem khẳng định Damascus chỉ công nhận một nhà nước Iraq thống nhất và bác bỏ bất kỳ thủ tục nào dẫn tới sự chia tách đất nước.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định nước này sẽ không bắt đầu một cuộc chiến sau khi người Kurd tổ chức trưng cầu ý dân đòi độc lập nhưng Ankara sẽ có những biện pháp để bảo vệ mình. Theo ông Yildirim, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngừng hoạt động vận chuyển dầu mỏ từ khu vực của người Kurd tại Iraq, đồng thời siết chặt kiểm soát biên giới.

Đáng chú ý là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý của cộng đồng người Kurd ở Iraq có nguy cơ làm nổ ra một cuộc “chiến tranh sắc tộc”. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh nếu KRG tại Iraq không sửa lại “sai lầm” nhanh nhất có thể thì cộng đồng này sẽ mang theo nỗi xấu hổ vì đã kéo cả khu vực vào cuộc chiến tranh sắc tộc và bè phái. Ông Erdogan cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại sử dụng các biện pháp hiện có nếu con đường tới hòa bình bị chặn.

Hành động của KRG có nguy cơ đẩy Iraq vào cuộc chiến tranh sắc tộc khi đất nước này chưa kết thúc cuộc chiến chống khủng bố đẫm máu và dai dẳng nhiều năm qua. Hơn thế, nó có thể kích động hàng loạt nước láng giềng với Iraq có người Kurd sinh sống cũng lâm vào khủng hoảng mới, nhất là Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.