Những cuộc chiến dai dẳng

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, chính quyền nước này phối hợp với các đồng minh phát động 2 cuộc chiến tranh trên quy mô lớn với mục tiêu xóa sổ chủ nghĩa khủng bố là Taliban và Al-Qaeda ở Afghanistan và Iraq.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm Mỹ và các đồng minh hao người, tốn của nhưng vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đề ra, trên phương diện nào đó đã làm nảy sinh “dị bản” chủ nghĩa khủng bố là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, trong khi Afghanistan vẫn còn là chiến trường đẫm máu.

Tại Afghanistan, gần 16 năm kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban, làm hàng ngàn binh sĩ Mỹ thiệt mạng, tiêu tốn trên 700 tỷ USD, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Khi Mỹ và đồng minh tiến hành các đợt rút quân kết thúc năm 2014, chỉ để lại khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm nhiệm vụ huấn luyện, hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống Taliban cũng như những nhiệm vụ chống khủng bố khác, các vụ tấn công của Taliban ngày càng gia tăng không chỉ ở các khu vực xa xôi mà ngay tại thủ đô Kabul.

Trước diễn biến phức tạp này, Tổng thống Donald Trump cho biết, mục tiêu của chiến lược mới mà Washington theo đuổi tại Afghanistan là ngăn chặn việc các tay súng Hồi giáo biến Afghanistan thành “thiên đường an toàn”, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Ông Trump thừa nhận bản thân có ý định rút quân khỏi Afghanistan, bởi trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái, ông từng nhiều lần phê phán những người tiền nhiệm và khẳng định cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã tiêu tốn quá nhiều tiền của và nhân lực của Mỹ. Tuy nhiên, ông cho biết, mình đã bị các cố vấn an ninh quốc gia thuyết phục về việc tăng cường khả năng của Mỹ nhằm ngăn chặn phiến quân Taliban. Hay nói cách khác, cuộc chiến ở quốc gia này vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó, tại Iraq, “dị bản” IS do cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động năm 2003 lật đổ chính quyền Tổng thống Sadam Husein đã làm quốc gia này điêu đứng nhiều năm qua. IS không chỉ là “bóng ma”, mà còn trở thành lực lượng nguy hiểm, đã chiếm nhiều tỉnh, thành của Iraq, lập nên chính quyền kiểm soát vùng đất rộng lớn với hàng triệu dân. Chúng còn mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Syria, Lybia..., làm cả khu vực Trung Đông chìm trong biển lửa chiến tranh khốc liệt, gây nên thảm họa nhân đạo và làn sóng di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Tình thế đó buộc Mỹ phải đưa quân trở lại Iraq, tăng cường sức mạnh quân sự cho chính quyền nước này để tấn công IS. Hàng ngàn binh sĩ, nhất là lực lượng cố vấn và đặc nhiệm, đã sang Iraq để trợ giúp quân đội nước này mở các cuộc tấn công vào sào huyệt của IS.

Tháng 7 vừa qua, Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq - đã hoàn toàn được giải phóng khỏi IS sau 266 ngày giao tranh ác liệt, chấm dứt sự chiếm đóng gần 3 năm của tổ chức khủng bố này tại đây. Sự thất thủ của Mosul được xem là tượng trưng cho sự sụp đổ hoàn toàn của IS ở Iraq. Tuy nhiên, hiện tại, ngoài thành phố Tal Afar, IS vẫn chiếm giữ khu vực Hawija ở tỉnh Kirkuk, cách thủ đô Baghdad 300km về phía bắc. IS cũng hiện diện ở tỉnh miền tây Anbar, đặc biệt là trong khu vực biên giới Al-Qaim giáp với Syria.

Có thể trong một thời gian gần, lực lượng an ninh Iraq sẽ chọc thủng các phòng tuyến xung quanh thành phố Tal Afar - một trong những thành trì cuối cùng của IS ở miền bắc Iraq, hiện còn khoảng 2.000 tay súng IS cố thủ. Tuy nhiên, nhiều tay súng của IS tháo chạy sẽ ẩn nấp nhiều nơi, tiếp tục gây ra những cuộc tấn công khủng bố mới. Nhưng xét ở phương diện rộng lớn hơn, chưa thể nói 2 cuộc chiến mà Mỹ phát động nhằm vào Iraq và Afghanistan đã chấm dứt, mà nó sẽ tiếp tục tạo những phiền toái cho Mỹ và các đồng minh.

Bởi vậy, khi tuyên bố chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan, ông chủ Nhà Trắng Donal Trump đã chia sẻ điều mà trước đây ông phê phán người tiền nhiệm Barack Obama, rằng rút quân nhanh quá sẽ tạo ra một khoảng trống mà lực lượng Taliban, Al-Qaeda và IS sẽ lấp đầy ngay. Hàm ý đó của ông Trump như để nói với cộng đồng quốc tế rằng, 2 cuộc chiến mà Mỹ phát động vào những năm đầu của thế kỷ 21 vẫn chưa chấm dứt mà sẽ còn tiêu tốn nhiều tiền bạc, công sức và cả xương máu của binh lính Mỹ.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.