Kỳ vọng và thất vọng

Để hóa giải những “ám ảnh” về sở hữu vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Mỹ và cộng đồng quốc tế, nhất là các bên liên quan, không ít lần tiến hành các bước đi cụ thể sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa, thử hạt nhân như: áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế - chính trị; tiến hành các vòng đàm phán; đe dọa hành động quân sự.

Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hiện vẫn nằm trên bàn nghị sự của Mỹ; thi thoảng Bình Nhưỡng lại thử tên lửa đạn đạo và úp mở sẽ thử hạt nhân...

Khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn nhân tố cốt lõi để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là Trung Quốc. Mỹ cho rằng, chính Trung Quốc là “bà đỡ” cho CHDCND Triều Tiên cả về chính trị, lẫn kinh tế, xã hội... Nếu Bắc Kinh hợp tác với Mỹ thì Bình Nhưỡng sẽ không còn cơ hội nào tiến hành những bước “phiêu lưu” đối đầu với Mỹ về vấn đề hạt nhân. Vì thế, Nhà Trắng kỳ vọng và thậm chí nhiều lần gây sức ép lên Trung Quốc để nước này can thiệp vào chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, song đều không nhận được kết quả như mong muốn.

Ngày 20-6, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng chúng đã không có tác dụng. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!”.

Thế nhưng, sau hơn một tháng, khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 29-7, Tổng thống Trump bày tỏ: “Tôi vô cùng thất vọng về Trung Quốc. Những lãnh đạo trước đây của chúng ta đã cho phép họ kiếm hàng trăm tỷ USD hằng năm từ thương mại… Họ chẳng làm gì cho chúng ta về vấn đề Triều Tiên cả, chỉ có phát biểu. Tôi sẽ không cho phép điều này tiếp diễn. Trung Quốc hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng”.

Điều đó cho thấy, Mỹ thất vọng về nhân tố Trung Quốc để hóa giải vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Vậy, lý do nào mà Bắc Kinh không hợp tác với Mỹ?

Cuộc chiến tranh Triều Tiên ngừng chiến năm 1953 chia đôi đất nước, nhưng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên chưa có hiệp định hòa bình. Còn Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã ký Hiệp định hòa bình năm 1961 quy định đôi bên cùng nhau bảo vệ trong trường hợp bị tấn công. Hơn thế, Bắc Kinh không hề mong muốn thấy lính Mỹ ngay trước cửa nhà. Nhất là gần đây, Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao, một cái gai mà Bắc Kinh coi là đe dọa đến an ninh của mình.

Trung Quốc tính toán lợi ích theo những cách khác biệt với Mỹ. Không chỉ việc Bắc Kinh hỗ trợ Bình Nhưỡng làm chia cách mối quan hệ kinh tế Bắc Kinh - Washington, mà họ còn có âm mưu thâu tóm lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, đóng cửa thị trường đối với các đối thủ nước ngoài, cũng như tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ…

Những nhân tố cốt lõi đó đã không làm Bắc Kinh “biến dạng” quan hệ với Bình Nhưỡng vốn được hình thành kể từ năm 1953 đến nay. Nếu có chăng cũng chỉ là những cái “vặt vãnh” để xoa dịu Mỹ, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế khổng lồ trong quan hệ song phương tạo nên cho Trung Quốc.

Chẳng thế, khi Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc không làm gì để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất ngày 31-7 phát biểu với báo giới tại trụ sở LHQ ở New York nhấn mạnh: “Mỹ và Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc, đóng vai trò chính trong việc đưa mọi việc đi đúng hướng. Dù Trung Quốc có khả năng đến đâu, nỗ lực của Bắc Kinh sẽ không mang lại những kết quả thiết thực bởi vấn đề này phụ thuộc chủ yếu vào hai bên chính (Mỹ và Triều Tiên)”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Một số người, khi nói về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đã phóng đại quá mức và đề cao cái gọi là “học thuyết trách nhiệm của Trung Quốc” và đòi hỏi người khác ra tay nhưng bản thân lại không hành động là điều không thể chấp nhận được”( !?).

Đối với Mỹ, ngoài việc đe dọa các biện pháp quân sự, ngày 1-8, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết: “Chúng tôi không phải là kẻ thù của Triều Tiên… Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đang thể hiện là mối đe dọa không thể chấp nhận đối với chúng tôi. Do vậy, Mỹ phải có phản ứng. Mỹ hy vọng rằng, ở thời điểm nhất định Triều Tiên sẽ hiểu ra điều đó và chúng ta sẽ ngồi xuống để đối thoại với họ”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Đối thoại này sẽ không xảy ra nếu Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như khả năng tấn công hạt nhân những quốc gia trong khu vực hoặc lãnh thổ Mỹ”.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.