Chống Nga và hệ quả đối với Mỹ

Việc Mỹ mới đây gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga đặt ra câu hỏi liệu Chiến tranh Lạnh đã thật sự tan băng sau mấy chục năm rồi, hay tàn dư của nó vẫn còn âm ỉ?

Tâm lý chung hiện nay ở Washington là thái độ cảnh giác với các hành động của Nga. Cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã nói trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng, các vụ tấn công vào cuộc bầu cử năm ngoái chỉ là sự khởi đầu và người Nga sẽ còn tiếp tục hành động như vậy. Còn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng cùng nhận định và tỏ ý lo ngại thêm việc Nga đang đẩy mạnh trở lại chương trình hiện đại hóa quân đội, nhất là năng lực hạt nhân chiến lược.

Luật trừng phạt Nga được giới quan sát đánh giá là làm căng thẳng giữa hai bên leo thang cao độ, thậm chí cao hơn so với thời Chiến tranh Lạnh, nhằm 3 mục đích: Một là, ngăn cản Tổng thống Donald Trump “bình thường hóa” quan hệ với Nga; hai là, gây sức ép kinh tế lên Nga; ba là, nhằm thay thế đối tác bán khí đốt thiên nhiên cho châu Âu đang từ Nga chuyển sang Mỹ. Cả ba yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đồng ruble, làm hại nền kinh tế nước Nga và càng cô lập Mátxcơva khỏi châu Âu hơn. Đó là sức ép kinh tế có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh.

Trước động thái của Mỹ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng, văn kiện trừng phạt này khắc nghiệt hơn đạo luật Jackson-Vanik, được thông qua năm 1974 và 38 năm sau mới được dỡ bỏ, do mang tính toàn diện và không thể hủy bỏ bằng một sắc lệnh đặc biệt của tổng thống mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Do đó, quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng.

Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh, nước Nga sẽ bình tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu và giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước. Mặt khác, Nga đã có phản ứng ngay lập tức, đó là việc trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao của Mỹ…

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Mátxcơva thực sự thất vọng với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump, bởi phần lớn là tiếp tục những “điều tồi tệ nhất” trong di sản của cựu Tổng thống Barack Obama; thậm chí, một loạt phương diện, vấn đề trong quan hệ với Nga và một số nước khác còn bị siết chặt hơn.

Đáng chú ý, ngay sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 6-8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nêu rõ: “Việc Mỹ thông qua luật trừng phạt Nga là một mắt xích trong chuỗi hành động thù địch và nguy hiểm đối với ổn định thế giới, giáng đòn mạnh mẽ vào triển vọng hợp tác song phương. Đương nhiên, những hành động tương tự, bao gồm cả việc bắt giữ trái pháp luật tài sản ngoại giao của Nga từ tháng 12 năm ngoái, không thể không có biện pháp đáp trả”.

Việc Mỹ đơn phương trừng phạt Nga không chỉ tổn hại quan hệ song phương, mà ở cấp độ cao hơn, nó đang làm rạn nứt sự đoàn kết nhất trí giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) đối với Mátxcơva kể từ vụ sát nhập bán đảo Crimea năm 2014 cũng như vấn đề kinh tế mà EU sẽ hứng chịu. Nhà phân tích chính trị Dmitry Solonnikov được tờ Sputniknews dẫn lời cho hay: “Các biện pháp trừng phạt này sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với Nga, gây phương hại tới châu Âu và chính nước Mỹ. Không thể có được công nghệ của Mỹ và châu Âu nữa, Nga sẽ phải tự phát triển. Rồi Nga sẽ không cần hợp tác với các công ty Mỹ và châu Âu, bởi Mátxcơva sẽ có thể tự làm mọi thứ”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga “thực sự rất có vấn đề”. Ông Gabriel cáo buộc Mỹ cố tình đẩy dòng khí đốt của Nga ra khỏi châu Âu, để buộc châu lục này phải mua khí đốt của Mỹ và điều này “chắc chắn chúng tôi không thể chấp nhận”.

Theo tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, EU sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả trong vài ngày tới nếu lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế của liên minh. Ông Juncker nhấn mạnh, EU phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình và sẽ kiên quyết làm điều đó.

Rõ ràng, Mỹ cũng đón nhận những hệ quả khôn lường khi chống Nga.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.