Vai trò các nước lớn đến đâu?

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh mang tên Qatar kéo dài hơn 1 tháng và có dấu hiệu gia tăng căng thẳng khi các bên liên quan đều đưa ra tuyên bố cứng rắn.

Sau khi “đóng băng” quan hệ ngoại giao với Qatar, các nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã đưa ra tối hậu thư gồm 13 điểm trong thời hạn 10 ngày đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Với nỗ lực hòa giải của Kuwait, các nước Arab và vùng Vịnh đã nhất trí gia hạn thêm 48 giờ nữa để Doha thực hiện các yêu cầu nói trên.

Qatar đã chuyển các phản hồi chính thức cho Kuwait, nội dung cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng Ngoại trưởng Qatar Al-Thani khẳng định yêu sách là “phi thực tế và không thể thực hiện được”, đồng thời cho rằng yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera là động thái nhằm dập tắt “tự do ngôn luận”.

Ngày 10-7, Saudi Arabia công bố nội dung một hiệp ước bí mật mà Qatar và các nước vùng Vịnh đạt được cách đây 4 năm nhằm củng cố các cáo buộc Doha hậu thuẫn khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh. Trong tuyên bố chung, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cho biết, việc công bố nội dung hiệp ước trên, vốn nhằm dàn xếp mâu thuẫn trước đây giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh, cho thấy Doha không đáp ứng và hoàn toàn vi phạm các cam kết về việc không can thiệp vấn đề chính trị của các nước láng giềng.

Tuy nhiên, các biện pháp nói trên đã không thể buộc Qatar lùi bước. Trong một tuyên bố gửi hãng CNN ngày 11-7, một người phát ngôn của Qatar cáo buộc ngược lại rằng, chính Saudi Arabia và UAE phá vỡ tinh thần của hiệp ước năm 2013 và “chìm đắm” vào “một cuộc tấn công đối với chủ quyền của Qatar”.  
Qatar đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) khi đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu. Qatar còn thông báo đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại do sự phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh. Nguyên đơn có thể là các công ty lớn như hãng hàng không Qatar Airways, các ngân hàng hoặc các cá nhân, có thể khởi kiện tại các tòa án ở trong và ngoài nước, kể cả ở Paris (Pháp), London (Anh), về cái mà Doha gọi là “sự vây hãm” Qatar.

Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar Sheikh Abdullah Bin Saoud al-Thani cho biết, Ngân hàng Trung ương có khoảng 40 tỷ USD dự trữ, cộng thêm vàng dự trữ, trong khi cơ quan Đầu tư Qatar có 300 tỷ USD dự trữ có thể dùng để thanh toán. Vì vậy, Doha có đủ tiền mặt để đương đầu với “bất kỳ cú sốc nào”.

Đứng trước khủng hoảng ngoại giao này, vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Nga ra sao?

Ngay từ đầu, Mỹ có dấu hiệu đứng về phía Saudi Arabia dưới danh nghĩa chống khủng bố, nhưng càng ngày tỏ ra do dự và chỉ đề nghị các bên liên quan nhanh chóng giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Điều đó cho thấy, Mỹ đang mắc kẹt giữa hai bên, nhất là khi Washington có cơ sở quân sự hùng mạnh ở Qatar và không muốn xung đột xảy ra sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tác động đến lợi ích của Mỹ ở khu vực này.

Lợi dụng vai trò của Mỹ, Qatar đã nhanh chóng ký hợp đồng mua hàng chục máy bay trị gia nhiều tỷ USD. Hơn thế, ngày 11-7, Mỹ và Qatar ký thỏa thuận về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố nhân chuyến thăm Doha của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Hành động này của Qatar như một tuyên bố cho các nước “đóng băng” quan hệ ngoại giao với Doha rằng, việc cáo buộc nước này tài trợ cho khủng bố là phi lý.

Tuy nhiên, Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập cho rằng, thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar là không đủ. Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia dẫn tuyên bố cho biết, thêm 4 quốc gia Arab sẽ giám sát chặt chẽ sự nghiêm túc của Qatar trong việc chống lại tất cả các hình thức viện trợ, hỗ trợ và chứa chấp chủ nghĩa khủng bố.

Về phía Nga, khi Ngoại trưởng Qatar thăm Mátxcơva ngày 11-6 và hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Sergey Lavrov, Nga bày tỏ cái nhìn lạc quan về một giải pháp nhanh gọn cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, cũng như việc sẵn sàng thực hiện những bước đi cần thiết để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên đến nay, Nga không đứng về bên nào, mà giữ im lặng và trung lập. “Mọi cuộc khủng hoảng là công việc riêng của họ, là quan hệ song phương giữa các quốc gia”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết và khẳng định Mátxcơva không can dự vào quan hệ của các nước này.

Điều đó cho thấy, giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh lần này không phải là bài toán dễ dàng trong ngày một ngày hai. Bởi lẽ, các bên liên quan, kể cả vai trò các nước lớn như Nga và Mỹ đang có những lợi ích cốt lõi tại khu vực này cũng chưa sẵn sàng vào cuộc, mà chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính kêu gọi là chính.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.