Trung Quốc lo Mỹ - Ấn xích lại gần nhau

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm Mỹ từ ngày 25-6 và lần đầu tiên gặp Tổng thống Donald Trump để thắt chặt quan hệ song phương cũng như giải quyết những bất đồng giữa hai nước.

Bất đồng khiến dư luận chú ý, đó là Washington giới hạn việc cấp visa cho người lao động nước ngoài vào Mỹ theo diện H1B. Biện pháp này gây trở ngại cho hàng chục ngàn chuyên viên điện toán của Ấn Độ đang cộng tác với các hãng Mỹ trong vùng Silicon Valley.

Bên cạnh đó là Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu, với việc Tổng thống  Donald Trump tuyên bố rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận và nhất là chủ nhân Nhà Trắng đã trực tiếp chỉ trích rằng thỏa thuận này có lợi cho Ấn Độ. New Delhi tỏ rõ sự bất bình về cáo buộc của Tổng thống Mỹ.

Song, theo các nhà quan sát, mối quan tâm hàng đầu giữa hai nước chính là hợp tác quân sự, an ninh trong khu vực Nam Á và kinh tế được đặt ra trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn. Đó là nhân tố quan trọng để hai bên có thể thu hẹp bất đồng nhằm hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thứ 9 của nền kinh tế số 1 thế giới. Năm ngoái, kim ngạch thương mại - dịch vụ hai chiều đạt xấp xỉ 114,8 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở Nam Á, đồng thời là nhân tố để kiềm chế sự chi phối của Trung Quốc ở khu vực này. Trong bối cảnh Mỹ đang xem xét đưa thêm 5.000 quân sang Afghanistan nhằm giúp quốc gia này chống khủng bố thì việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện với New Delhi là điều mà Washington không thể bỏ qua.

Vì thế, nhân chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán máy bay vận tải quân sự C-17 trị giá 365 triệu USD cho Ấn Độ, trong khi để ngỏ khả năng bán các máy bay không người lái Guardian MQ-9B trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp New Delhi tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương. Đây được xem là động thái hiếm hoi khi Mỹ thường chỉ chuyển giao những công nghệ cao như vậy cho các đồng minh hay đối tác quốc phòng gần gũi và có các hoạt động phối hợp cùng lực lượng Washington.

Ngoài ra, tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin của Mỹ ký hợp đồng với Tata Advanced Systems của Ấn Độ, dự kiến di dời một phần cơ sở từ bang Texas sang Ấn Độ để đổi lấy đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD của New Delhi.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Trump, Thủ tướng Modi khẳng định đã có cuộc trao đổi thành công ở tất cả các khía cạnh của quan hệ song phương. Ông ca ngợi Mỹ và Ấn Độ là mối quan hệ đối tác chiến lược vững mạnh, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này trong tương lai. Còn ông Trump ca ngợi quan hệ giữa Washington và New Dehli “chưa bao giờ vững mạnh hơn” thời điểm này, đồng thời cho biết ông và Thủ tướng Modi đã có cuộc hội đàm hiệu quả khi tìm được tiếng nói chung đối với nhiều vấn đề cùng quan tâm.

Việc Mỹ - Ấn xích lại gần nhau sẽ góp phần làm tình hình ở khu vực Nam Á ổn định hơn, cuộc chiến chống khủng bố sẽ có hiệu quả, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng làm một vài quốc gia trong khu vực lo ngại.

Tờ Hindustan Times dẫn lời một chiến lược gia Trung Quốc tại Bắc Kinh cho rằng, điều làm Trung Quốc quan ngại nhất là khả năng Mỹ cung cấp các máy bay không người lái Guardian MQ-9B cho Ấn Độ. Theo chiến lược gia này, máy bay Guardian MQ-9B sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát của New Delhi ở vùng Ấn Độ Dương và như vậy Ấn Độ sẽ theo dõi sát hơn mọi di chuyển của tàu Trung Quốc tại vùng biển này.

Ngoài ra, Bắc Kinh ngày càng quan ngại về quan hệ Mỹ - Ấn kể từ khi hai nước ký hiệp định về hạt nhân dân sự năm 2005, mở đường cho New Dehli nhập khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân. Đến nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc Ấn Độ muốn gia nhập nhóm 48 quốc gia cung cấp năng lượng hạt nhân, kiểm soát việc mua bán công nghệ hạt nhân trên thế giới. Hơn nữa, Bắc Kinh nghĩ rằng, Mỹ đang muốn dùng Ấn Độ để kiềm chế, “bao vây” Trung Quốc không chỉ ở Ấn Độ Dương mà cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Thủ tướng Narendra Modi được dư luận đánh giá là “cài đặt lại mối quan hệ” trong bối cảnh tình hình trên thế giới và khu vực có những thay đổi sâu sắc. Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước tăng nhanh và giảm nhập siêu từ Ấn Độ, đồng thời mong muốn New Delhi ngày càng có vai trò lớn hơn để ổn định an ninh trong khu vực Nam Á, cũng như góp phần thúc đẩy giải quyết các bất ổn trên thế giới, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.