Thêm cơn sóng dữ hoành hành

.

Khi cuộc xung đột Palestine - Israel chưa được giải quyết; cuộc nội chiến ở Syria, Yemen, Lybia vẫn ở thế giằng co; hay cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda vẫn đang khốc liệt, sự kiện mang tên Qatar vừa bùng phát đẩy Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng mới vô cùng nghiêm trọng.

Chỉ trong vòng vài giờ ngày 5-6, có tới 6 quốc gia Arab và vùng Vịnh, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Yemen và chính phủ đông Libya đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao, hay phong tỏa đường hàng không, hàng hải... với Qatar (đó là chưa kể đến quốc gia châu Á Cộng hòa Maldives). Vậy đâu là nguyên nhân chính để xuất hiện cơn sóng dữ này?

Kể từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Về mặt chính thức, các nước vùng Vịnh - đứng đầu là Saudi Arabia - đã cắt đứt bang giao với Qatar vì nước này bị cáo buộc yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ IS và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Nhưng xem ra quyết định nói trên xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran - quốc gia đang có thế lực trong vùng.

Là quốc gia nhỏ bé nhưng Qatar giàu có nhờ dầu mỏ và nằm vị trí chiến lược ở vùng Vịnh, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị khu vực. Những năm gần đây, Qatar và Iran hợp tác khai thác chung mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Doha nhiều lần tuyên bố không muốn gây căng thẳng với Iran, đồng thời mong muốn Tehran và các nước Arab vùng Vịnh giải quyết bất đồng thông qua thương lượng. Qatar cũng muốn thể hiện vai trò trung lập trong các vấn đề khu vực, đặc biệt không muốn giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực bằng vũ lực.

Giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh “cơm không lành, canh không ngọt” từ lâu; đỉnh điểm là ngày 23-5, khi hãng tin chính thức của Qatar thông báo trang web của họ đã bị tin tặc thao túng để phát đi những thông tin sai lệch, trong đó có những tuyên bố được cho là của Hoàng thân Qatar Emir Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani rằng, lãnh đạo Qatar dường như đã cảnh báo các đồng minh GCC không nên đối đầu với Iran - cường quốc Hồi giáo khu vực, đồng thời bênh vực cho tổ chức Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Lebanon, hai tổ chức đều do Iran yểm trợ (?!).

Mặc dù phía Doha đã cải chính nhưng những tuyên bố đó được các phương tiện truyền thông của Saudi Arabia, Ai Cập, UAE liên tục phát đi phát lại, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của những nước này.

Một tác nhân khác, ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Saudi Arabia và được đón tiếp trọng thể. Tại Riyadh, ông Trump lên án Iran can thiệp gây mất ổn định các nước Arab và yểm trợ khủng bố. Như vậy, Tổng thống Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo khu vực của Saudi Arabia và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyadh đối với Iran.

Mặt khác, Saudi Arabia rất bực bội khi thấy đàn em Qatar vừa rất năng động về ngoại giao, vừa quá thân thiết với Mỹ. Lúc Saudi Arabia muốn lập một liên minh các nước Hồi giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi giáo Shiite, thì Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Tehran.

Như “giọt nước tràn ly”, Saudi Arabia đã lợi dụng ngay tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố, rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao. Vì Riyadh cáo buộc Qatar yểm trợ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, nên lôi kéo cả Ai Cập và UAE vào cuộc khủng hoảng ngoại giao. Cairo và Abu Dhabi vốn rất thù ghét tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, nhất là Ai Cập đang rất cần đến trợ giúp tài chính của Saudi Arabia nên lại càng tích cực tham gia “dạy một bài học” cho Qatar.

Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các láng giềng thật ra sẽ chỉ có lợi cho Iran, vì đến nay Teheran vẫn rất ngại khối đoàn kết vùng Vịnh. Lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra là một cường quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh “nối lại đối thoại để giải quyết các bất đồng”. Qatar cũng không có hành động đáp trả nào mà chỉ mong muốn khôi phục quan hệ với các đồng minh GCC thông qua đối thoại.

Các nhà quan sát nhận định rằng, khó có thể xảy ra một cuộc “chiến tranh vùng Vịnh” lần thứ ba, nhưng tình trạng mất đoàn kết trong các nước Arab và vùng Vịnh sẽ làm suy yếu những nỗ lực giải quyết các vấn đề nóng tại đây, đặc biệt ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố. Mặt khác, nó làm Mỹ lúng túng vì Qatar là đồng minh thân cận, khách hàng mua sắm vũ khí hàng đầu. Qatar cũng là nơi Washington có căn cứ quân sự khổng lồ với hàng ngàn binh sĩ trú quân.

Xung đột ngoại giao đang đẩy Qatar vào thế cô lập cả về ngoại giao lẫn kinh tế trong khu vực, trong khi những nước liên quan cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề… Để giải quyết sự cố này là bài toán khó không chỉ Qatar mà cả những nước trực tiếp “đóng băng” quan hệ với Doha lẫn những quốc gia đứng ra làm trung gian hòa giải.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.