Gánh nặng của chủ nhân Nhà Trắng

“Nghi án” Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 vẫn tiếp tục chi phối chính trường nước Mỹ khốc liệt. Sau khi Tổng thống Donald Trump cách chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey ngày 9-5 vừa qua, “cơn địa chấn” bùng lên với những nghi ngờ mới rằng chủ nhân Nhà Trắng dường như có hành động “cản trở công lý” trong quá trình điều tra Nga can thiệp bầu cử.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 8-6, cựu Giám đốc FBI Comey có những tiết lộ chấn động về chính quyền Trump trong vụ điều tra liên quan Nga. Trong đó, ông Comey đưa ra lời khai bằng văn bản chi tiết về 5 cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump. Tài liệu đó đã xác nhận hầu hết mọi báo cáo trước đây về các hoạt động trao đổi của họ. Quan trọng nhất, nó xác định rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Comey cam kết trung thành và phải chứng tỏ sự trung thành đó bằng cách từ bỏ cuộc điều tra của FBI đối với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn.

Dư luận Mỹ mong đợi cựu Giám đốc FBI có đưa ra những chi tiết mới hay những bằng chứng cụ thể về việc ông Trump, trong các cuộc gặp riêng với ông James Comey, đã ra lệnh ngừng các cuộc điều tra về ông Flynn trong mối quan hệ với Nga; nói cách khác là tổng thống có can thiệp, cản trở điều tra của tư pháp hay không?

Thế nhưng, phát biểu của ông James Comey trước các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ và truyền hình trực tiếp được đánh giá là không có gì mới và không có sức “bùng nổ” ghê gớm có thể tác động mạnh đến chiếc ghế của Tổng thống Trump như một số đồn đoán trước đó.

Tuy nhiên, phiên điều trần, cựu Giám đốc FBI kết tội ông Trump là “kẻ dối trá”. Dẫn chứng là trong tất cả các cuộc tiếp xúc nói chuyện riêng với Tổng thống Trump, ông đều ghi chép đầy đủ - điều mà ông Comey không bao giờ làm với cựu Tổng thống Barack Obama... Đáng chú ý, trong phiên điều trần, ông Comey ít nhất 3 lần từ chối trả lời công khai các câu hỏi của các thượng nghị sĩ liên quan đến mối liên hệ có thể có giữa chính quyền Trump và Nga. Ông hứa sẽ trả lời trong phiên họp kín với các thượng nghị sĩ. Điều này cho thấy cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga vẫn còn những góc khuất để cuộc điều tra của tư pháp Mỹ làm sáng tỏ trong thời gian tới.

Dư luận cũng mong đợi phản ứng của Tổng thống Trump sau sự kiện liên quan trực tiếp đến ông. Lần này, ông Trump chọn cách phản pháo qua luật sư riêng Marc Kasowitz để bác bỏ những nội dung điều trần của cựu Giám đốc FBI. Giới quan sát nhận định, có thể ông Trump đã ý thức được tầm quan trọng của sự việc nên tỏ ra thận trọng hơn.

Thế nhưng, trong dòng chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 11-6, ông Trump đặt ra nghi vấn về tư cách của cựu lãnh đạo FBI và liệu việc ông này tiết lộ thông tin về các cuộc trao đổi riêng tư giữa hai người có phải là hành động vi phạm luật pháp hay không.  

Nhiều chuyên gia luật hoài nghi về tính hợp pháp trong hành động của ông Comey. Ông Marc Kasowitz đã nhiều lần “đánh tiếng” sẽ nộp đơn kiến nghị lên Bộ Tư pháp - cơ quan giám sát FBI - về việc làm của ông Comey…

Tiếp đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions​ bác bỏ bất cứ kết luận nào nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm có lợi cho ông Trump, đồng thời cho rằng những cáo buộc như vậy là “sự dối trá ghê tởm và đáng khinh bỉ”. Ông Sessions​ phản ứng mạnh mẽ trước những cáo buộc cho rằng ông đã hành xử không thích hợp trong một loạt cuộc tiếp xúc với các quan chức Nga, cũng như biết rõ cái gọi là “âm mưu câu kết” của đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga. Ông Sessions cũng từ chối tiết lộ việc liệu ông có trao đổi với Tổng thống Trump liên quan đến xử lý kỷ luật ông Comey về cuộc điều tra nhằm vào Nga hay không.

Song, những người chống ông Trump vẫn không lùi bước. Ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với lời kêu gọi luận tội tại Hạ viện.

Dù những tình tiết điều trần của cựu Giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ Tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, các kiến nghị đòi luận tội tổng thống tại Hạ viện, hay dự luật mới của Thượng viện ngăn tổng thống bãi bỏ cấm vận Nga mà không có sự chấp thuận của Quốc hội... sẽ là gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.