Con đường đàm phán đã xuất hiện?

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên xung quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng kéo dài suốt mấy chục năm qua. Đặc biệt, trong vài tháng trở lại đây, tình hình trở nên nghiêm trọng khi Mỹ cùng các đồng minh bày binh bố trận cho một cuộc xung đột vũ trang trong trường hợp Bình Nhưỡng tiến hành các bước đi mạo hiểm về vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, đó là việc chẳng đặng đừng, khi lối thoát về ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn còn đối với các bên liên quan. Các nhà quan sát chính trị nhận thấy các tín hiệu sau đây có thể làm sức nóng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt:

Một là, cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ Moon Jae-in. Với mục tiêu tranh cử đã đề ra, ông Moon sẽ chấm dứt 10 năm cầm quyền của đảng bảo thủ và chính sách cứng rắn với CHDCND Triều Tiên. Ông muốn đối thoại và thực hiện các dự án hợp tác với Bình Nhưỡng, vì theo ông, đàm phán là con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng hạt nhân. Ông Moon là cố vấn tích cực dưới chính phủ Tổng thống Kim Dae-jung, người khởi xướng Chính sách Ánh dương, chính sách ngoại giao mà Hàn Quốc áp dụng với CHDCND Triều Tiên từ năm 1998-2008.

Một ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Hàn Quốc, tờ Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên đăng bài xã luận với tựa đề “Cần chấm dứt đụng độ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên”. Tác giả bài báo Sim Chol Yong phê phán các tổng thống Hàn Quốc cầm quyền trong 10 năm qua là bảo thủ, khiến căng thẳng chính trị, quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên gia tăng, làm sống lại những mâu thuẫn trước đây, đẩy hai miền tới bờ vực chiến tranh nguyên tử, bất chấp mong muốn thống nhất và hòa bình của cả dân tộc Triều Tiên. Tác giả nhấn mạnh: Nếu Hàn Quốc vẫn tiếp tục có một chính phủ bảo thủ thì quan hệ giữa hai miền sẽ không thể được cải thiện và nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng trầm trọng.

Như thế để thấy việc thay đổi nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng là nhân tố tích cực góp phần giảm sự đối đầu và mở ra cơ hội cho hoạt động ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hai là, giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tuy không ngừng gia tăng áp lực quân sự, hoặc trừng phạt kinh tế nhắm vào nhau, nhưng cũng cố gắng tìm các giải pháp ngoại giao để tháo ngòi nổ chiến tranh.

Một sự kiện gây chú ý dư luận, đó là các quan chức CHDCND Triều Tiên và một nhóm chuyên gia Mỹ ngày 8-5 bắt đầu tiếp xúc tại Oslo (Na Uy). Dẫn đầu phái đoàn CHDCND Triều Tiên là bà Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao. Trưởng phái đoàn Mỹ là bà Suzanne DiMaggio, Giám đốc New America, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington. Đây là cuộc gặp không chính thức giữa đại diện các tổ chức dân sự, phi chính phủ, hoặc quan chức cấp thấp thường được gọi là Track II (Track II diplomacy). Cuộc gặp kiểu này từng diễn ra một lần tại Genève (Thụy Sĩ) cách đây 6 tháng. Theo Yonhap (Hàn Quốc), có lẽ Bộ Ngoại giao Mỹ không mấy chú ý tới cuộc gặp Track II diễn ra 2 lần/năm kiểu này. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, có thể đây là những cuộc thảo luận thăm dò để có những bước đi đáng chú ý sắp đến.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un nếu một số điều kiện được đáp ứng. Đây là tuyên bố đầu tiên của người đứng đầu nước Mỹ kể từ khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953.

Ba là, gia tăng các tác động từ phía Trung Quốc. Kể từ sau cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình tại Mỹ đầu tháng 4 vừa qua, phía Trung Quốc có những động thái gây áp lực lên quốc gia láng giềng nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đàm phán.

Mỹ cũng thông qua vai trò trung gian của Trung Quốc để bắn tín hiệu đến Bình Nhưỡng. Trang mạng Nikkei Asian Reviews cho biết, Mỹ đã báo cho Trung Quốc biết về việc Washington sẽ không làm gì có hại cho ông Kim Jong-un nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mỹ đưa ra 4 lời hứa: không yêu cầu thay đổi chế độ Bình Nhưỡng; không tìm cách lật đổ Kim Jong-un; không có hành động vượt quá ranh giới vĩ tuyến 38 giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên; không thúc đẩy thống nhất bán đảo Triều Tiên. Đây được xem là công cụ cho sự kết nối giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng sau những đổ vỡ quan hệ do Trung Quốc xích lại gần Mỹ và cô lập CHDCND Triều Tiên.

Từ những tín hiệu nói trên, các nhà quan sát chính trị cho rằng, “sức nóng về nguy cơ cuộc xung đột vũ trang khốc liệt” trên bán đảo Triều Tiên xung quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ từng bước được hạ nhiệt thông qua đàm phán. Nếu lối thoát này sớm được hiện hữu sẽ là bài học bổ ích cho cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng ở các châu lục.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.