.

Vai trò của bên thứ ba

Hiện nay, vấn đề chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ còn là thời gian mà thôi. Nhân tố để kích hoạt cuộc xung đột sẽ là sự kiện CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân thứ 6 hay thử tên lửa đạn đạo.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo là điều không thể chấp nhận được. Còn với ông Kim Jong-un, quả bom nguyên tử bảo đảm sự sống còn của chế độ. Chính sự khác biệt này đẩy bán đảo Triều Tiên đến miệng hố chiến tranh.

Xét ở góc độ quân sự, Mỹ và các đồng minh đã triển khai khá đồng bộ một cuộc tấn công trên quy mô tổng lực trước hết nhằm vào các cơ sở hạt nhân, quân sự của Bình Nhưỡng. Mỹ đã điều tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân; các cơ sở quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nhân tố mới nhất là Mỹ đưa các thiết bị lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, một lá chắn để bắn hạ tất cả tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, một động thái chưa có tiền lệ là 100 thượng nghị sĩ Thượng viện Mỹ được yêu cầu đến Nhà Trắng để dự họp cùng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford bàn về vấn đề Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng, đó là bước chuẩn bị để Tổng thống Trump có thể phát động một cuộc tấn công quân sự vào CHDCND Triều Tiên khi nước này thử hạt nhân.

Còn về phía CHDCND Triều Tiên, đi đôi với các tuyên bố hùng hồn rằng “sẽ nhấn chìm nước Mỹ”, “sẽ đánh đắm tàu sân bay”, “sẽ không sợ Mỹ”, “sẽ đối đầu với chiến tranh” là tiến hành diễn tập quân sự, diễn tập bắn đạn thật pháo binh và đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh...

Tuy nhiên, để bước qua “ranh giới đỏ” mà Mỹ đặt ra như bắn thử tên lửa đạn đạo hay thử hạt nhân, Bình Nhưỡng đã không có động thái như vậy tại hai sự kiện lễ kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và ngày thành lập quân đội nhân dân của nước này.

Như vậy, vấn đề cốt lõi “tháo ngòi nổ hay cho phát nổ” được đặt ra cho các bên liên quan, trong đó chủ yếu là Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Nhưng “phát nổ” thì chưa xuất hiện vì thực ra cả Mỹ và Triều Tiên cũng không muốn chiến tranh. Vậy là phải trông chờ bên thứ ba để hóa giải. Nhưng đó là ai?

Trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung vừa qua, lẫn các cuộc điện đàm sau đó, Tổng thống Trump yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình gây sức ép lên Bình Nhưỡng để nước này chấm dứt chương trình hạt nhân. Theo Mỹ, sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên, kể cả phát triển chương trình hạt nhân của nước này, đều dựa trực tiếp vào Trung Quốc về cả phương diện chính trị lẫn kinh tế.

Trong cuộc thảo luận mới đây tại Tokyo (Nhật Bản), các đặc phái viên của 3 nước Mỹ - Nhật - Hàn nhất trí phối hợp chặt chẽ các động thái trong tình huống CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiêu khích và kêu gọi Trung Quốc - đồng minh chính của Bình Nhưỡng - sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa.

Khi thúc đẩy Trung Quốc gánh lấy trách nhiệm vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Washington cũng đã gửi đến Bắc Kinh một thông điệp phức tạp: “Các vị cho rằng cũng mạnh như tôi thì hãy chứng minh!”. Nhưng ông Trump cũng không ngần ngại khi tuyên bố: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì nước Mỹ sẽ tự lo” (?!).

Bởi vậy, đi đôi với gia tăng các biện pháp trừng phạt và răn đe quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng, Washington còn đang tính đến áp đặt các lệnh trừng phạt lên các công ty Trung Quốc có liên hệ với CHDCND Triều Tiên...

Phát biểu mới đây tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cựu quan chức cao cấp Lầu Năm Góc Kelly Magsamen cho biết: “Tôi nghĩ rằng có những giới hạn đối với những gì họ sẽ sẵn sàng làm. Nỗi sợ lớn nhất của họ dĩ nhiên là sự mất ổn định của bán đảo này. Giờ đã đến lúc làm cho Trung Quốc hiểu rằng tình trạng đang tồi tệ hơn với họ so với tất cả các kịch bản khác. Chúng ta cần đặt các lợi ích của họ đối mặt với nguy cơ. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ thực sự về các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc... Giờ là thời điểm để chứng tỏ với Trung Quốc rằng chúng ta nghiêm túc về vấn đề này”.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt phái sinh Mỹ muốn gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng và Bắc Kinh nhằm tạo đòn bẩy cần thiết cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng liệu Trung Quốc có nghe Mỹ và làm được những gì để gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên nhằm tháo ngòi nổ chiến tranh hay không là câu hỏi lớn. Bởi lẽ, Bắc Kinh cũng không muốn Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không muốn Washington vượt qua vùng đệm, được hình thành sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, làm ảnh hưởng đến mình. Một ví dụ rất rõ là Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc...

Chính quyền của Tổng thống Trump đã thấy điều đó và quyết tung con bài cuối cùng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên về phía Trung Quốc cả “cây gậy và củ cà rốt”. Một khi Trung Quốc không chứng minh được vai trò của mình và Triều Tiên quyết vượt qua “ranh giới đỏ”, có thể một cuộc chiến tranh khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra, chưa biết ai thắng, ai thua, và sự hủy diệt của nó thì vô cùng khủng khiếp. Đó là điều không ai mong muốn nhưng tất cả đang hiện hữu ở một ranh giới rất mong manh giữa chiến tranh và hòa bình.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.