.

Ăn miếng trả miếng

Vụ công dân Triều Tiên có tên trong hộ chiếu là Kim Chol (được xem là ông Kim Jong Nam, anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 13-2 đang đẩy quan hệ ngoại giao CHDCND Triều Tiên - Malaysia căng thẳng theo cách “ăn miếng trả miếng”.

Phía Triều Tiên đổ lỗi Malaysia điều tra không khách quan, không chịu trao trả thi thể nạn nhân, cố tình cùng Mỹ và Hàn Quốc vu khống, bôi nhọ, làm suy giảm uy tín của Bình Nhưỡng, làm phương hại tới quan hệ hai nước.

Ngược lại, qua quá trình điều tra, giới chức Malaysia xác định người đàn ông có tên Kim Chol tử vong do trúng chất độc thần kinh VX, loại chất độc bị Liên Hợp Quốc (LHQ) xem là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là điều mà CHDCND Triều Tiên lo ngại vì nó sẽ là cái cớ để LHQ áp đặt thêm các biện pháp cấm vận, có thể đưa Bình Nhưỡng vào danh sách các quốc gia sản xuất, tàng trữ các loại vũ khí giết người hàng loạt, bị nhiều quốc gia khác tẩy chay. Mặt khác, Malaysia và Hàn Quốc cho rằng, nạn nhân nói trên chính là ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngay lập tức, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thông tin chất độc VX được sử dụng để sát hại Kim Chol là “lố bịch” và thiếu cơ sở khoa học. Ông Ri Tong Il, quan chức cấp cao thuộc phái đoàn Triều Tiên được cử đến Kuala Lumpur để yêu cầu Malaysia trao trả thi thể nạn nhân, nói rằng có dấu hiệu Kim Chol tử vong do đau tim. Theo ông Ri, các quan chức y tế của Malaysia cũng tìm thấy nhiều loại thuốc để trị các căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao trong hành lý của ông Kim và kết luận ông không thể đi du lịch mà không mang theo thuốc.

Tổng Thanh tra Cảnh sát Malaysia, ông Tan Sri Khalid Abu Bakar, bác bỏ những tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rằng, ông Kim Chol có thể chết vì đau tim. Trả lời hãng Bernama News Channel, ông Bakar nói rằng, giới chuyên gia Malaysia xác nhận ông Kim Chol đã chết sau khi 2 người phụ nữ bất ngờ dùng tay quệt lên mặt ông này với loại chất độc mà sau đó được xác nhận là chất độc thần kinh VX.

Trong khi đó, phản ứng trước tiến trình điều tra vụ việc của Malaysia, Đại sứ Triều Tiên Kang Chol tại Kuala Lumpur đã có những hành động và lời lẽ xúc phạm nước chủ nhà, coi việc điều tra là “mang tính thù địch”, Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 4-3 quyết định trục xuất ông ta nhằm khẳng định rằng Kuala Lumpur sẽ có phản ứng mạnh mẽ chống lại bất cứ sự xúc phạm hoặc nỗ lực nào muốn làm xấu đi hình ảnh của quốc gia này. Đồng thời, Malaysia cũng chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Triều Tiên nhập cảnh vào nước này.

Để đáp trả, ngày 6-3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo trục xuất Đại sứ Malaysia Mohamad Nizan Mohamad, coi nhà ngoại giao này là “người không được hoan nghênh” và cũng chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Malaysia.

Quan hệ hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng khi ngày 7-3, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ban hành lệnh cấm xuất cảnh tạm thời đối với tất cả người Malaysia đang ở nước này “cho đến khi vụ việc xảy ra ở Malaysia được giải quyết đúng đắn”.

Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Malaysia Najib Razak yêu cầu CHDCND Triều Tiên thả toàn bộ 11 công dân Malaysia bị cấm xuất cảnh khỏi Bình Nhưỡng. Những người này bao gồm 4 nhân viên Đại sứ quán, gia đình của họ và 2 người thuộc LHQ. Thủ tướng Najib tuyên bố: “Hành động giữ con tin hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao”; đồng thời nhấn mạnh: “Là một quốc gia yêu hòa bình, Malaysia cam kết duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Tuy nhiên, bảo vệ công dân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu công dân bị đe dọa”.  

Malaysia cũng đáp trả bằng hành động cấm toàn bộ công dân Triều Tiên ở nước này được xuất cảnh. Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện tình trạng khẩn cấp bằng việc hạ cờ, đốt tài liệu và có thể đóng cửa.

Khủng hoảng ngoại giao theo cách “ăn miếng trả miếng” xung quanh cái chết của công dân Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur càng làm quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên - Malaysia nhanh chóng tụt dốc. Asri Salleh, học giả Malaysia về quan hệ quốc tế nhận định: Hai quốc gia đang trải qua “khủng hoảng ngoại giao thông thường” và cách tốt nhất là giải quyết thông qua đàm phán. Ông khẳng định khủng hoảng với CHDCND Triều Tiên cần vài tháng để xử lý nhưng khả năng xung đột vũ trang giữa hai bên có thể được loại bỏ. Ở khía cạnh khác, ông Shahriman Lockman (Viện Chiến lược và Ngoại giao Malaysia) cho rằng, Kuala Lumpur nên đề phòng các cuộc tấn công mạng từ CHDCND Triều Tiên. Năm 2014, hãng Sony Pictures từng bị tấn công và thủ phạm bị cho là các hacker Triều Tiên.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.