.

Chuyện vẫn còn ở phía trước

.

Từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, vấn đề Nga trở thành một nhân tố làm ông mất ăn, mất ngủ.

Trước hết, phải thấy rằng, trong những tháng cuối của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, việc dư luận cho rằng Nga “can thiệp vào bầu cử” là đề tài sôi động. Thậm chí, trước khi chuyển giao quyền lực, dựa theo báo của cơ quan tình báo Mỹ, ông Barack Obama đã tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào hàng loạt nhân viên ngoại giao, các cơ quan đại diện của Nga tại Mỹ.

Đây là việc làm hiếm thấy ở Mỹ bởi có quốc gia nào trên thế giới lại dám can thiệp vào bầu cử của nước Mỹ đâu. Hơn nữa, ở cường quốc này, bầu cử được cho là dân chủ và được bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt nên việc cáo buộc Nga can thiệp là vấn đề hết sức nghiêm trọng và hàm chứa những toan tính khác nhau.

Trong khi đó, lúc bấy giờ, việc ứng cử viên Donald Trump có những phát biểu sẽ cải thiện quan hệ với Nga đã làm lực lượng chống đối phản ứng mạnh mẽ. Mặt khác, bản thân ông Trump cũng đã có mối quan hệ với Nga, nhất là xung quanh thông tin cố vấn chiến dịch tranh cử của ông là Michael Flynn có quan hệ thân thiện với đại sứ Nga tại Mỹ. Điều này càng tạo điều kiện cho sự phản ứng về “yếu tố Nga” trên chính trường Mỹ gia tăng.

Đặc biệt, khi xảy ra vụ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải từ chức vì điện thoại cho Đại sứ Nga tại Mỹ nói về các biện pháp trừng phạt của Washington với Mátxcơva cho thấy, quan điểm bài Nga đã quay trở lại Nhà Trắng. Các nhà quan sát cho rằng, việc ông Flynn ra đi sẽ khiến những thay đổi chính sách đối với Nga khó có thể xảy ra, ít ra là trong ngắn hạn.

Hai là, trong mối quan hệ đa phương, nhân tố Nga cũng tác động không nhỏ để Nga - Mỹ sớm có thể xích lại gần nhau. Khi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh vấn đề Ukraine, Mỹ cũng đồng hành, thì chưa cho thấy dấu hiệu Washington sẽ tách ra và tiến hành dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để cải thiện quan hệ với Mátxcơva.

Để trấn an các đồng minh cũng như dư luận phản đối trong nước, tân chính phủ Mỹ đã đưa ra một số phát biểu tỏ thái độ cứng rắn với Mátxcơva, chẳng hạn như Tổng thống Trump kêu gọi Nga trả Crimea cho Ukraina, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng Washington sẽ đàm phán với Mátxcơva và rằng chưa đến lúc hợp tác quân sự với Nga...

Một khía cạnh nữa, dù Mỹ báo động việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải gia tăng chi phí đóng góp, nếu không Mỹ sẽ có những thay đổi, nhưng trên thực tế Washington chưa thể làm gì khác, thậm chí còn cam kết thắt chặt quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương để bảo đảm an ninh cho châu Âu và sâu xa là cho nước Mỹ, như phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence mới đây tại Đức.

Việc Nga và EU chưa nối lại quan hệ bình thường cũng là tác nhân quan trọng để Mỹ giảm thiểu sự cách biệt với Nga. Trong đó có việc Mỹ triển khai quân đội, xe tăng đến các quốc gia Đông Âu làm Nga giận dữ.

Đáp lại, Nga đã kín đáo triển khai một loại tên lửa hành trình mới có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, bị coi là vi phạm thỏa thuận cấm loại vũ khí này, được ký kết năm 1987 giữa Mikhail Gorbatchev và Ronald Reagan. Thực ra, vụ việc không có gì mới vì năm 2014, ông Obama đã phản đối khi quân đội Nga lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm loại tên lửa này. Thế nhưng, 2 năm qua, các giàn tên lửa hành trình đó đã được đưa vào sử dụng và triển khai tại 2 căn cứ quân sự, trong đó có một căn cứ ở Volgograd, phía nam nước Nga.

Còn trong quan hệ Nga - Mỹ, với mục tiêu chống khủng bố thì xem ra hai nước có những mặt đồng thuận. Song, nhìn qua cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, lại thấy hai nước bộc lộ khá nhiều bất đồng, cả trong mục tiêu lẫn cách thức xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố như Tổng thống Trump liên tục hô hào.

Gần đây, khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran thúc đẩy các bên liên quan ở Syria ngồi vào bàn đàm phán (mà Mỹ chỉ là khách mời) càng cho thấy sự cách biệt giữa Mátxcơva với Washington trong vấn đề chống khủng bố như thế nào. Tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) lần thứ 53 từ ngày 17 đến 19-2 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói thẳng, Mátxcơva mong muốn chấm dứt “trật tự thế giới tự do” do giới tinh hoa các nước phương Tây tạo ra nhằm mục đích thống trị. Thay vào đó là một “trật tự thế giới dân chủ và công bằng”. Nga cũng muốn xóa bỏ NATO, một “tàn tích từ thời Chiến tranh lạnh”.

Còn về quan hệ Nga - Mỹ, ông Lavrov tuyên bố: “Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo rất lớn nhưng cần được thực hiện”. Mátxcơva để ngỏ khả năng này và hy vọng Mỹ cũng có thái độ tương tự. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence thận trọng đáp lại rằng, “Mỹ sẽ tiếp tục đòi Nga phải làm rõ các vấn đề, ngay cả khi chúng tôi vẫn tìm kiếm những lĩnh vực đồng thuận”.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức đến nay, mọi việc đều không rõ ràng. Chưa đầy một tháng, vào lúc “tuần trăng mật” mới bắt đầu, cặp Trump - Putin đã trải qua nhiều khủng hoảng. Điều này làm nguội lạnh những mong muốn của điện Kremlin vốn rất hồ hởi với chiến thắng của ông Trump. Còn những phát biểu của ông Trump rằng sẽ cải thiện quan hệ với Nga chỉ là lời mở đầu cho câu chuyện với nhiều chương, tập. Quan hệ Mỹ - Nga sẽ được sưởi ấm, nguội lạnh, hay giữ nguyên trạng vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.