.

"Chạm đáy" quan hệ Nga - Mỹ

.

Cách đây tròn một năm, khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và xung đột ở miền đông Ukraine làm Mỹ và châu Âu bực tức, “đóng băng” quan hệ ngoại giao, bất ngờ Mátxcơva đưa lực lượng không quân hùng mạnh tham chiến ở Syria.

Động thái của Mátxcơva đã làm tình hình chính trị ở Syria chuyển sang một bước ngoặt mới với sự có mặt của Nga và Mỹ, hai cường quốc vốn không ưa gì nhau cùng tham gia giải quyết cuộc nội chiến và chống khủng bố kéo dài ở quốc gia  Trung Đông này.

Sau một năm tham chiến, Nga đã giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tiêu diệt nhiều nhóm khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chiếm lại nhiều vùng đất rộng lớn.
Sau nhiều nỗ lực từ hai phía, ngày 9-9, Nga - Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria để từng bước tiến tới chấm dứt cuộc xung đột. Thế nhưng, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ, xung đột vũ trang gia tăng, nhất là ở thành phố Aleppo.

Ngày 3-10, bất ngờ Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria, đồng thời cáo buộc Mátxcơva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận 9-9.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận nỗ lực giữa Nga và Mỹ kéo dài nhiều tháng qua nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria đã “lâm vào ngõ cụt”, nhất là trong bối cảnh tình trạng bạo lực tại Aleppo ngày càng leo thang. Theo ông, đây là thời điểm mà Mỹ cần tìm kiếm và theo đuổi các phương án thay thế khác. Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan đề xuất giải pháp thay thế để giới chức Mỹ “nghiêm túc xem xét” trong những ngày tới.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đây là quyết định rất đáng thất vọng, đồng thời kêu gọi Washington nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và cân nhắc lại quyết định này. Nga cũng cáo buộc Mỹ không thực hiện thỏa thuận hôm 9-9 về việc rút quân, mở đường cho các hoạt động nhân đạo, trong khi chính phủ Syria sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận ngừng chiến. Nga đặt câu hỏi, phải chăng Mỹ không muốn hoặc không thể tác động tới các phe phái mà Mỹ gọi là “các nhóm đối lập ôn hòa” được Mỹ bảo trợ ở Syria, cũng như Mỹ” “không quan tâm đến nhu cầu nhân đạo của người dân Syria”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo, sự can dự của Mỹ nhằm chống lại quân đội Syria sẽ dẫn đến những hậu quả khủng khiếp không chỉ đối với lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này mà còn toàn bộ khu vực. Theo bà, việc thay đổi chế độ ở Syria sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, tạo cơ hội cho các phần tử khủng bố thế chân.

Trả lời phỏng vấn tờ Izvestia ngày 4-10, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Frants Klintsevich cho biết, trong trường hợp cần thiết, Mátxcơva sẽ tăng cường ủng hộ mạnh mẽ hỏa lực cho lực lượng vũ trang Syria, trong bối cảnh Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng được gọi là “ôn hòa” ở nước này.

Theo ông Klintsevich, những tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Mátxcơva và Damascus quyết tâm đi theo “đường lối quân sự” là tín hiệu gửi tới lực lượng khủng bố rằng, chúng có thể đẩy mạnh hoạt động, kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Washington và quân đội Nga đã sẵn sàng cho kịch bản này.

Để đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium, chất có thể chế tạo bom nguyên tử giống như uranium. Theo sắc lệnh, Tổng thống Putin đưa ra quyết định này do những thay đổi cụ thể của tình hình hiện nay, việc xuất hiện những mối đe dọa ổn định chiến lược vì Mỹ có các hành động “không thân thiện” đối với Nga và Washington “không đủ khả năng” bảo đảm việc thực thi những cam kết về việc sử dụng lượng plutonium để chế tạo vũ khí đang ở mức dư thừa theo các hiệp ước quốc tế.

Một lý do nữa là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Sắc lệnh cũng nêu rõ: Plutonium không được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như không được sử dụng trong nghiên cứu hoặc thử nghiệm các thiết bị nổ tương tự hay bất kỳ mục đích quân sự nào khác.

Vượt ra ngoài các cuộc “khẩu chiến” thông thường, sự thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Syria đã khiến căng thẳng Nga - Mỹ bước vào giai đoạn gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nó như “giọt nước tràn ly” dẫn tới cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong quan hệ Nga - Mỹ thời hậu Xô viết. Bởi lẽ, đằng sau cuộc chiến ở Syria, giữa Nga với Mỹ và phương Tây vẫn còn hàng loạt các mâu thuẫn xung quanh việc sáp nhập Crimea vào Nga, cuộc xung đột ở đông Ukraine, NATO mở rộng về hướng đông sát đường biên giới Nga, hay vụ máy bay MH17 bị bắn hạ…

Điều đó cho thấy, sự “chạm đáy” trong quan hệ Nga - Mỹ khó có thể hóa giải trong một sớm một chiều, vì thời gian còn lại trên cương vị Tổng thống của ông Obama quá ngắn ngủi. Còn quá sớm để có thể nói về chiến lược đối ngoại của ông chủ mới Nhà Trắng. Trong đó, việc định hình chiến lược đối ngoại với Nga hay với châu Âu, Trung Đông là chuyện không hề đơn giản.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.