.

Thảm kịch mang tên thời đại

.

5 năm là chặng đường rất ngắn so với chiều dài lịch sử. Nhưng ở khía cạnh một cuộc chiến tranh, nhất là chiến tranh hiện đại, hậu quả của nó gây ra cho một quốc gia, một dân tộc thật vô cùng thảm khốc.

Bi kịch khủng khiếp đó đã và đang diễn ra ở Syria, quốc gia hiện hằng ngày đối mặt với cái chết, cái đói, vô gia cư và sự thù hận chất chồng giữa người với người.

Cách đây 5 năm, khởi sự cho một trào lưu với cái tên mỹ miều là “cách mạng màu”, lực lượng đối lập được sự hỗ trợ của phương Tây đã huy động hàng ngàn người xuống đường chống chính quyền để cô lập bộ máy mới được gọi là “dân chủ”, như từng diễn ra ở Georgia, Ukraine, Ai Cập, Tunisia…

Nhưng mục tiêu đó của lực lượng đối lập không thành, bị các cường quốc chi phối sử dụng nó như nơi phô diễn ảnh hưởng của mình, nên đã từng bước đẩy Syria vào cuộc nội chiến tàn khốc. Đặc biệt, lợi dụng sự xung đột của hai bên, các phần tử khủng bố đã nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng, hình thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng với Al-Qaeda vốn ẩn nấp từ lâu, nhanh chóng biến Syria thành chiến trường đẫm máu nhất cho các bên xung đột.

Để giải quyết thực chất của vấn đề nhằm kết thúc nội chiến, mang lại hòa bình cho Syria, các cường quốc trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, vì quyền lợi của riêng mình, đã coi Syria như vùng đất để thử nghiệm vai trò và sức mạnh cả về quân sự lẫn chính trị. Họ biện minh cho những hành động của mình một cách mơ hồ mà không lấy nguyên nhân cốt lõi của cuộc nội chiến cũng như các hoạt động của IS, Al-Qaeda ở Syria để chung tay mang lại hòa bình cho quốc gia này. Thậm chí, họ còn dung dưỡng cho các phần tử khủng bố cũng như các phương tiện chiến tranh có cơ hội để xâm nhập từ nước ngoài vào Syria để hoạt động.

Trong khi các bên liên quan cứ loay hoay bàn chuyện đàm phán thế này thế khác, hay ai ở ai đi trong bộ máy chính quyền mới nếu được hình thành, trên nhiều vùng đất của Syria đã diễn ra các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Chết chóc vẫn xảy ra, đói khát vẫn đè nặng lên người dân Syria vô tội và làng mạc, phố phường vẫn hằng ngày bị bom rơi đạn nổ gây cảnh tiêu điều. Các khu vực do IS chiếm đóng biến thành chiến trường khốc liệt và diễn ra cảnh tàn sát dân lành ghê rợn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay có 300.000 người dân Syria thiệt mạng, hàng chục vạn người bị thương; gần 3 triệu người rời bỏ nơi cư trú, tạo ra một thảm kịch nhân đạo khủng khiếp khi hàng triệu người di cư sang các nước láng giềng, trong đó hàng ngàn người chết trên đường đi tìm miền đất hứa…

Hằng ngày, truyền thông quốc tế không ngớt đưa tin về cuộc chiến ở Syria với hình ảnh chết chóc. Mới đây, hình ảnh cậu bé Syria Omran Daqneesh (5 tuổi) toàn thân đầy bụi đất, ngồi trên xe cứu thương bần thần nhìn xung quanh với vết thương rỉ máu trên đầu đã khiến không ít người rơi nước mắt. Không những vậy, cảnh hàng ngàn trẻ em, phụ nữ, người già bị bọn khủng bố tàn sát, hãm hiếp, đánh đập và giết tập thể trong những năm qua… là sự kinh hoàng, ghê tởm nhất mà người dân Syria phải hứng chịu.

Bi kịch không chỉ có vậy đối với dân tộc Syria, mà một vấn đề khác cũng đang đặt ra một câu hỏi lớn cho nhân loại. Đó là hàng vạn chiến binh ở nước ngoài đến Syria tham chiến cho IS và Al-Qaeda thiệt mạng. Họ đi gây tội ác, bỏ mạng ở nơi không phải là quê hương và cũng không được chính các quốc gia họ mang quốc tịch thừa nhận để đưa xác về nước. Ông Hussein Nofal, Chủ tịch Ủy ban Pháp y tối cao của Syria nói: “Chúng tôi đã xác định danh tính vài ngàn kẻ khủng bố bị tiêu diệt là các công dân Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Saudi Arabia, Jordan, Lebanon và loạt quốc gia Arab. Ngoài ra, còn 30.000 tử thi mà chúng tôi không thể xác định danh tính”. Ông Nofal còn cho biết, những nước láng giềng sau khi danh tính chiến binh tử trận đã được xác định vẫn từ chối tiếp nhận thi thể công dân tham chiến trong hàng ngũ tổ chức khủng bố ở Syria. Số lượng các xác chết này đã lên đến hàng chục ngàn, chỉ tính riêng trong năm nay.

Chết chóc và đau thương vẫn cứ đeo bám đất nước Syria, làm người dân nước này vốn đau khổ càng đè nặng thêm những khổ đau không sao kể xiết!

Thế nhưng, đến thời điểm này, việc tìm kiếm nền hòa bình cho quốc gia này vẫn còn là câu chuyện phía trước.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.