.

Đừng tự biến mình thành kẻ khổng lồ cô đơn

.

Trung Quốc là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, có nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu và là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Trên một số phương diện, Trung Quốc được ví như “kẻ khổng lồ” ở châu Á cũng như thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu hướng đến mục tiêu “hòa bình” như các lãnh đạo của họ thường đề cập thì sẽ rất tốt cho hòa bình, an ninh ở châu Á và thế giới.

Nhưng thực tế, một khi tiềm lực kinh tế phát triển, Trung Quốc đã đẩy các tham vọng của mình vượt ra xa những gì mà cộng đồng thế giới kỳ vọng, để tạo thành những tác nhân bất ổn cho chính quốc gia này và cho thế giới, trong đó vấn đề Biển Đông là một ví dụ cụ thể. Với tư tưởng bá quyền, bành trướng và nhằm phô trương sức mạnh kinh tế - quân sự, mở rộng lãnh thổ, tìm kiếm nguồn năng lượng để “giải khát” cho nền kinh tế, những thập niên gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh mục tiêu kiểm soát các vùng biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông với các tuyên bố chủ quyền phi lý. Trong đó, đáng chú ý là tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông nhằm thu nạp hơn 90% khu vực Biển Đông vào lãnh thổ của Trung Quốc.

Cùng với các toan tính đen tối đó, Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Á mới nhằm thay thế các liên minh do Mỹ chi phối vốn được xác lập từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai đến nay.
Trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn ra vẻ mô tả Trung Quốc như một “chú sư tử hòa bình, hòa nhã, văn minh”, nhưng những hành động trên thực tế của Bắc Kinh đến nay đang đặt ra sự báo động trong khu vực và cả châu Á.

Sự thô bạo và trâng tráo của Trung Quốc đã buộc Philippines phải đưa vụ kiện về “tuyên bố đường lưỡi bò chín đoạn cũng như tranh chấp ở bãi cạn Scarborough” lên Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) cách đây 3 năm.

Trong xu thế của thời đại, nhất là các cường quốc có trách nhiệm, phải luôn hướng tới mục tiêu giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua luật pháp và công ước quốc tế. Thế nhưng, Trung Quốc không hành động như vậy. Kể từ khi PCA tiến hành các bước tố tụng và ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12-7, Trung Quốc không thể hiện là cường quốc có trách nhiệm, là quốc gia tham gia Công ước về Luật Biển năm 1982, luôn có hành động đi ngược lại một cách trắng trợn. Trong đó, nổi lên mấy vấn đề đáng chú ý sau:

Một là, Trung Quốc không tham gia phiên tòa PCA như một bên bị tranh tụng; đồng thời, tuyên bố phiên tòa vô giá trị, không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của PCA.

Hai là, Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi lấp các rạng san hô thành những đảo nhân tạo; tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo nhân tạo và các Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chiếm trái phép của Việt Nam; nhanh chóng biến các đảo này thành các căn cứ quân sự hòng kiểm soát khu vực Biển Đông.

Ba là, tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn; cản trở, đe dọa và tấn công các tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống của mình. Đặc biệt, trong những tháng qua, khi đoán biết chính nghĩa không thuộc về mình, Bắc Kinh đã gia tăng cuộc vận động quốc tế bằng cách mua chuộc và ngụy biện về cái gọi là “chủ quyền cốt lõi của Trung Quốc có từ hàng ngàn năm nay ở Biển Đông” (?!). Bắc Kinh mập mờ đưa ra con số gần 60 quốc gia ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông, nhưng hầu hết đều không có tên cụ thể mà chỉ có một vài quốc gia nhỏ lẻ vốn lâu nay chịu ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc.

Trong khi đó, tiếng nói chính nghĩa đã và đang vang lên mạnh mẽ trên các diễn đàn quốc tế như Tuyên bố các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua; hay nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc… đều cho rằng, tuyên bố về đường lưỡi bò và hành động bồi lấp các đảo nhân tạo, quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế.

Đặc biệt, như Thông cáo của PCA ngày 12-7 nêu rõ: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định nước này có quyền lịch sử đối với các tài nguyên, theo các quyền được Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ở các khu vực biển trong phạm vi đường lưỡi bò” là một khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ của công lý quốc tế.

Có thể nói, phán quyết của PCA được cho là bước ngoặt lớn, sẽ đánh gục tham vọng của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết này khẳng định công lý, pháp lý quốc tế đã được thực thi rõ ràng. Phán quyết là thắng lợi chung cho các quốc gia chứ không riêng Philippines, bởi lẽ phán quyết sẽ có lợi cho việc duy trì trật tự pháp luật quốc tế đã định hình. Phán quyết chỉ rõ mưu toan dùng các hành vi quân sự, chính trị một cách vô trách nhiệm không thể nào làm thay đổi được trật tự pháp lý quốc tế hiện nay cũng như xóa bỏ trật tự pháp lý quốc tế theo ý chỉ chủ quan của một quốc gia. Luật pháp quốc tế được kiến thiết, kiến tạo trên cơ sở đồng thuận của tất cả các quốc gia nên không một quốc gia nào có quyền vẽ lại luật này.

Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chống lại phán quyết của PCA, có những hành động phiêu lưu nguy hiểm thì chính họ “tự biến mình thành kẻ khổng lồ cô đơn” trong một thế giới lấy luật pháp và công ước quốc tế làm cơ sở cho các mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hướng đến một nền hòa bình ổn định, phát triển bền vững.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.