.

Vì sao Mỹ không đủ tiền để chống IS?

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, với việc triển khai chiến dịch không kích, Washington và các nước đồng minh sẽ mất khoảng 3 năm để đánh bại lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Các chuyên gia quốc phòng ước tính, Mỹ sẽ mất từ 15-20 tỷ USD mỗi năm để theo đuổi kế hoạch mạo hiểm này.

Biểu tình ở thủ đô Washington D.C, phản đối chiến dịch của Mỹ tại Iraq và Syria, yêu cầu không dùng giải pháp quân sự. 						Ảnh: THX
Biểu tình ở thủ đô Washington D.C, phản đối chiến dịch của Mỹ tại Iraq và Syria, yêu cầu không dùng giải pháp quân sự. Ảnh: THX

Đến cuối tháng 8-2014, chính phủ Obama đã chi 560 triệu USD cho mặt trận chống IS và tiếp tục bỏ ra 7,5 triệu USD/ngày để duy trì hoạt động quân sự tại Iraq. Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã đồng ý cho phép chính phủ dành 500 triệu USD để trang bị và huấn luyện những người nổi dậy ở Syria đương đầu với IS.

Tờ The Fiscal Times đặt vấn đề: Sẽ ra sao nếu sứ mệnh loại bỏ IS của Mỹ dấn sâu vào cuộc chiến dài hơn, khốc liệt hơn và quy mô hơn so với dự tính của Tổng thống Obama? Có thể rốt cuộc tình thế sẽ đẩy người Mỹ phải đưa quân trở lại Iraq. Liệu ngân sách quốc phòng của Mỹ có đủ tiền để vừa hoàn thành mục tiêu “làm suy yếu và tiễu trừ” IS, vừa bảo tồn lực lượng vũ trang hùng mạnh?

Quá khứ chưa qua

Đứng trước nguy cơ nước Mỹ có thể bước vào một cuộc chiến chưa biết hồi kết, các chuyên gia The Fiscal Times dẫn các con số cụ thể: việc tham chiến năm 2003 tại Iraq đã cướp đi 4.500 sinh mạng người Mỹ và khoảng 770 tỷ USD. Thực tế, nếu tính cả khoản chi ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe các cựu chiến binh trong hàng thập kỷ kéo dài sau cuộc chiến này, sự hao tổn ngân sách vượt quá 2.000 tỷ USD.

Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, Iraq chưa phải nỗi thất vọng duy nhất của người Mỹ. Quân đội Mỹ mất 13 năm đóng tại Afghanistan nhưng không loại trừ được Taliban. Sự can thiệp của Mỹ vào Lybia chỉ tạo nên một nhà nước yếu ớt. IS chỉ là một phần của phong trào Hồi giáo. Do đó, ngay cả khi người Mỹ tiễu trừ được nhóm khủng bố cực đoan này, họ vẫn tiếp tục phải sống chung với nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới.

Chi vượt thu

Theo chuyên gia kinh tế Eugene Steuerle, đồng thời là chuyên gia ngân sách tại Viện Urban (Mỹ), sẽ rất khó để Mỹ hoàn thành hai mục tiêu cùng lúc: tiêu diệt IS và bảo tồn sức mạnh quốc phòng.

Ông Eugene Steuerle lý giải, các yếu tố như: nhiều năm cắt giảm thuế tích lũy, chính sách chi tiêu ngân sách theo ý muốn chính phủ và các chương trình phúc lợi mục tiêu đã đặt quá nhiều khoản chi của liên bang trong tình trạng trì trệ, khiến các nhà làm luật và chính phủ ít có khả năng phản ứng linh hoạt trước những khó khăn và khủng hoảng lớn như thiên tai hay biến động ở Trung Đông.

Ngân sách dành cho phúc lợi xã hội, chăm sóc người già, bảo hiểm y tế và tiền lãi các khoản nợ công sẽ vượt rất xa mức doanh thu dự kiến của chính phủ Mỹ trong thập niên tới. Thực tế này sẽ gây áp lực rất lớn với chính sách chi tiêu theo ý muốn của Nhà Trắng, kể cả con số hàng trăm tỷ USD thường niên đầu tư cho quốc phòng. Ông Eugene Steuerle nói thêm: “Hãy nhìn xem, có thể tình trạng khẩn cấp không tốn kém như thế, hoặc có lẽ vấn đề sẽ không tốn kém như thế, nhưng đâu sẽ là chỗ nới thêm ra được của ngân sách chính phủ để thực hiện tất cả những việc này?”.

Từ năm 2014-2024, chính phủ Mỹ sẽ phải đối diện với phần lãi suất thực của nợ công, chi phí phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế và nhiều chương trình thiết yếu khác. Tất cả các khoản này sẽ tăng vọt lên mức 1.460 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu chính phủ ước tính 977 tỷ USD.

Ông Gordon Adams, chuyên gia quân sự Đại học Mỹ tính toán, cường quốc này sẽ cần thêm từ 15-20 tỷ USD/năm để chống IS. Khoản chi này sẽ là mức đề xuất ngân sách cao nhất dành cho quốc phòng của chính quyền ông Obama trong năm tài chính 2015.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.