Pháp muốn đổi mô hình "Nhà nước phúc lợi"

.

Vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt trên chính trường Pháp trong những ngày qua là việc chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron muốn thay đổi mô hình “Nhà nước phúc lợi”.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chuyển đổi này là do thâm hụt ngân sách lên đến 5,5% GDP vào năm 2023. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay cuộc khủng hoảng năng lượng trong những năm vừa qua đã khiến cho nợ công của Pháp tăng vọt. Theo kênh truyền hình TF1, Chính phủ Pháp phải hạ thấp dự báo tăng trưởng năm 2024 xuống chỉ còn 1%, thay vì 1,4% như ban đầu do bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp do xung đột ở Ukraine và ở Trung Đông, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và kinh tế Đức rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Ở khía cạnh khác, với mức 32 tỷ euro vào năm 2017, ngân sách cho quốc phòng sẽ tăng thêm 3,1 tỷ euro cho năm 2024, rồi mỗi năm tăng thêm 3 tỷ trong giai đoạn 2025-2027, trước khi tăng thêm 4,3 tỷ euro/năm kể từ năm 2028. Như vậy, đến năm 2030 ngân sách cho quốc phòng sẽ là 69 tỷ euro, tăng gấp đôi so với hiện nay. Đồng thời, Pháp còn cam kết viện trợ quân sự lên tới 3 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2024 như một phần của thỏa thuận an ninh trong khuôn khổ các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2023.

Trong khi đó, do thu nhập từ thuế sẽ thấp hơn so với dự kiến và để đạt chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống còn 4,4% GDP năm 2024, chính phủ phải nỗ lực tiết kiệm với hy vọng khoản tiết kiệm này sẽ giúp giảm nợ công hơn 3.000 tỷ euro và giảm thâm hụt ngân sách xuống mức giới hạn 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Le Monde cho biết, để giải quyết tình trạng này, việc tăng thuế hay là đánh thêm thuế vào giới siêu giàu đang là chủ đề tranh luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng, việc xem xét lại các ưu đãi về thuế đối với bảo hiểm nhân thọ đang làm thất thu khoảng 1 tỷ USD trong ngân sách mỗi năm. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal gần đây khẳng định, Chính phủ sẽ không động chạm đến thuế của giới trung lưu, cũng như của những người tạo công ăn việc làm cho người Pháp. Thay vào đó, ông Attal thông báo biện pháp mới: thắt chặt các điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Song, biện pháp này ngay lập tức khiến giới công đoàn bất bình. Tổng thống Macron cũng nhiều lần nhắc lại sẽ không tăng thuế nhưng ngày càng có nhiều người nghi ngờ điều này.

Bài xã luận gần đây của Le Figaro lập luận rằng đó sẽ là chiến lược tồi vì vài tỷ tiền thuế thu được sẽ không đáp ứng đủ các khoản thâm hụt quá lớn, lên đến 150 tỷ euro vào năm 2023. Tăng thuế sẽ chỉ khiến đầu tư giảm đi, làm mất sức hấp dẫn kinh tế vốn đã đánh thuế 58% tổng tài sản được tạo ra. Le Figaro kết luận bằng việc đưa ra hai phương án khả thi để hạn chế thâm hụt ngân sách và giảm nợ công, đó là tạo ra nhiều của cải hơn và nhất là chi tiêu ít đi và hiệu quả hơn. Trước áp lực đó, Bộ trưởng Kinh tế Le Maire kêu gọi thay đổi mô hình xã hội Pháp từ “Nhà nước phúc lợi” sang “Nhà nước bảo hộ” khi cho rằng Nhà nước đã hỗ trợ quá nhiều nên giờ cần phải giảm bớt đi.

Có thể nói mô hình “Nhà nước phúc lợi” là thành quả kể từ khi ông Macron lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp. Người dân Pháp cũng đã quen với giáo dục và y tế miễn phí, nhất là trong giai đoạn Covid-19, trợ cấp thất nghiệp rộng rãi, trợ giá năng lượng... Với mô hình “Nhà nước bảo hộ”, Chính phủ Pháp sẽ không chìa bàn tay phúc lợi ra nữa. Ngay lập tức, người dân phải đối diện với những thách thức lớn trong đời sống thường ngày khi túi tiền vơi đi nhanh chóng và họ khó lòng chấp nhận thực tế phũ phàng như vậy.

Đây chính là nhân tố có nguy cơ xảy ra những bất ổn như nước Pháp đã từng trải qua với sự phẫn nộ của công nhân, nông dân, sinh viên, học sinh đình công, xuống đường biểu tình, hoặc bạo loạn đường phố, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sự chia rẽ trong tầng lớp xã hội một cách sâu sắc.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.